Trong thời gian gần đây, thị trường mạng di động tại Việt Nam đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết nhờ sự góp mặt của các mạng di động ảo (MVNO). Người dùng ngày càng có nhiều lựa chọn, các gói cước của các nhà mạng cũng ngày càng đa dạng. Tuy nhiên, không phải các nhà mạng MVNO đều có chất lượng giống nhau. Đâu là nguyên nhân một số nhà mạng có tốc độ và độ ổn định cao hơn trong khi cùng sử dụng chung hạ tầng?
Mạng di động ảo (MVNO) là gì?
Mạng di động ảo hay MVNO (Mobile Virtual Network Operator) là mô hình mạng di động trong đó nhà cung cấp dịch vụ không sở hữu hạ tầng mạng lưới viễn thông mà sẽ thuê của đơn vị khác.
Nói một cách dễ hiểu, nhà mạng ảo sẽ mua cả gói lưu lượng lớn của một nhà mạng có sở hữu hạ tầng (hay còn gọi là MNO – Mobile Network Operator). Sau đó nhà mạng ảo sẽ cung cấp dịch vụ di động với giá bán lẻ đến khách hàng.
Tại sao mạng di động ảo lại có cước phí thấp hơn?
Do không sở hữu hạ tầng mạng lưới, mô hình MVNO không cần tốn chi phí xây dựng hạ tầng – vốn là một trong những khoản chi đắt đỏ và tiêu tốn khoản tiền khổng lồ. Các mạng di động ảo không có sẵn hạ tầng, đồng nghĩa họ cũng không cần phải bảo trì hay cần những con người thực hiện công việc này.
Nhờ việc tiết kiệm được rất nhiều khoản chi phí ban đầu, các doanh nghiệp MVNO có thể dễ dàng đặt chân vào thị trường kinh doanh mạng di động và bắt đầu với mức giá thấp hơn.
Có 2 loại MVNO: Light MVNO và Full MVNO
Light MVNO là việc một mạng di động thuê lại gần như toàn bộ hạ tầng của nhà mạng MNO như mạng lõi (core network), HLR, dịch vụ giá trị gia tăng, hệ thống thanh toán… Với mô hình Light MVNO, doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào tiếp thị, xây dựng mối quan hệ với khách hàng và kênh phân phối. Có thể nói rằng Light MVNO giống như việc một siêu thị dán nhãn của riêng họ cho các sản phẩm khác.
Khác với Light MVNO, Full MVNO (hay Thick MVNO) là mô hình mạng di động ảo tự xây dựng và quản lý nền tảng của họ. Các nhà mạng Full MVNO sẽ tự xây dựng mạng lõi, quản lý số thuê bao, luồng cuộc gọi, tin nhắn, dữ liệu của riêng mình. Mô hình này cho phép họ có sự kiểm soát cao hơn bên trong hạ tầng, bao gồm cả giá bán và thiết lập gói cước theo ý muốn của họ. Nói một cách dễ hiểu, Full MVNO giống như siêu thị chỉ thuê lại nhà máy sản xuất, họ tự sản xuất và quản lý toàn bộ các tính năng của sản phẩm, gắn nhãn cho nó và phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Chính vì sự khác biệt này mà tính ổn định, tốc độ của các mạng di động ảo có thể không giống nhau. Light MVNO sử dụng gần như toàn bộ hạ tầng của MNO, trong khi đó Full MVNO chỉ thuê lại hạ tầng mạng lưới và tự xây dựng các thành phần còn lại. Trong một số trường hợp, Light MVNO mang lại độ ổn định cao và tốc độ tốt hơn Full MVNO nhờ vào việc giảm thiểu các bước trung gian, sử dụng trực tiếp hạ tầng của MNO.
Một ví dụ thực tế, Wintel là mạng Full MVNO đôi khi gặp một số vấn đề: Mạng có độ trễ (ping) cao hơn, lỗi gọi thoại trên iPhone hai Sim khi bật VoLTE, hay việc bạn phải thiết lập APN trên thiết bị trước khi sử dụng. Những tồn tại này dường như không xảy ra với thuê bao mạng iTel – nhà mạng Light MVNO vốn sử dụng chung hạ tầng Vinaphone tương tự với Wintel.
Các mạng di động ảo (MVNO) tại Việt Nam
Tính đến thời điểm tháng 8/2023, Việt Nam có tổng cộng 10 nhà mạng di động. Trong đó, có 5 nhà mạng di động ảo (MVNO).
Nhà mạng Light MVNO: iTel (hạ tầng Vinaphone), Local (hạ tầng Mobifone), VNSKY (hạ tầng Mobifone) và FPT-MVNO (hạ tầng Mobifone)
Nhà mạng Full MVNO: Wintel (hạ tầng Vinaphone).
Bạn đang cần tư vấn thiết kế website bán hàng chuyên nghiệp , tham khảo dịch vụ của NKS nhé
NKS - Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ Tri Thức Mới
20 năm tư vấn và cung cấp giải pháp xây dựng thương hiệu toàn diện trên Internet
222 Lê Văn Sỹ, Phường 14, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Email: system@nks.vn
Website: https://nks.com.vn
Hotline: 0932030958