I. Thông báo thời hạn nộp tờ khai thuế trong kỳ kê khai Tháng 03/2024 và kỳ kê khai Quý I/2024
NKS xin thông báo hạn nộp hồ sơ khai thuế trong kỳ kê khai Tháng 03/2024 và kỳ kê khai Quý I/2024 như sau:
- Hồ sơ khai thuế của kỳ kê khai Tháng 03/2024: Do ngày cuối của kỳ kê khai Tháng 03/2024 trùng với ngày nghỉ hàng tuần (Thứ Bảy ngày 20/04/2024) nên thời hạn nộp hồ sơ khai thuế Tháng 03/2024 chậm nhất là ngày 22/04/2024 (Thứ Hai).
- Hồ sơ khai thuế của kỳ kê khai Quý I/2024: Do ngày cuối của kỳ kê khai Quý I/2024 trùng với ngày nghỉ lễ (ngày 30/04/2024 và 01/05/2024) nên thời hạn nộp hồ sơ khai thuế Quý I/2024 chậm nhất là ngày 02/05/2024 (Thứ Năm).
NKS lưu ý Quý Khách hàng nên kê khai, nộp tờ khai sớm trước thời gian hết hạn ít nhất từ 1 đến 2 ngày để tránh việc quá tải, không gửi được tờ khai.
II. Đã có 92,2% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu áp dụng xuất hóa đơn điện tử
Chiều ngày 25/03/2024, Cục Thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) công bố, tính đến ngày 24/03/2024, toàn quốc đã có 14.727/15.981 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành hóa đơn điện tử (HĐĐT) từng lần bán hàng, ước đạt 92,2% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Còn 1.254 cửa hàng chưa thực hiện, chiếm 7,8%.
Cục Thuế Doanh nghiệp lớn cho biết, căn cứ Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP đối với quy định về HĐĐT của hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và các địa phương đã có nhiều văn bản chỉ đạo cơ quan Thuế các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành sát sao, quyết liệt thực hiện xuất HĐĐT sau mỗi lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
Cơ quan Thuế các cấp đã tập trung trong việc tham mưu Ủy ban Nhân dân (UBND) các tỉnh quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành tại địa phương tích cực phối hợp với cơ quan Thuế, đồng thời đã rất sát sao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị chức năng của Cục Thuế tích cực bám sát tiến độ hỗ trợ các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn triển khai HĐĐT theo từng lần bán hàng tại từng cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
- Thống kê đến hết ngày 24/03/2024, đã có 41/63 địa phương đạt tiến độ trên 90% (14 địa phương hoàn thành là: Nghệ An, Thái Nguyên, Quảng Trị, Bình Dương, Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Lắk, An Giang, Bến Tre, Bắc Ninh, Hà Nam, Điện Biên, Ninh Bình, Trà Vinh).
- Tính đến ngày 24/03/2024 vẫn còn 05/63 Cục Thuế có tiến độ triển khai dưới 70%. Vì vậy, Tổng cục Thuế yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị tiếp tục tập trung chỉ đạo các bộ phận chức năng thực hiện nghiêm, quyết liệt, triệt để các chỉ đạo của Tổng cục Thuế tại Công văn số 837/TCT-DNL và kết luận tại Hội nghị trực tuyến được tổ chức ngày 08/03/2024 về công tác chỉ đạo triển khai quy định về HĐĐT của hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu và phấn đấu đến ngày 31/03/2024 hoàn thành việc triển khai tại địa phương.
III. Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi: Nhiều điểm mới, đột phá
Ngày 15/03/2024 vừa qua, Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội đã phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Dự thảo luật lần này được nhiều chuyên gia đánh giá cao khi có nhiều điểm mới, với nội dung mang tính đột phá.
1. Sửa đổi phù hợp hơn với thực tiễn
Bình luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi lần này, ông Bùi Ngọc Tuấn – Phó Tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam cho biết:
- Luật Thuế GTGT được thông qua năm 2008, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2009 và đã được sửa đổi, bổ sung một số lần vào năm 2013, 2014, 2016. Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp (DN), luật đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế – xã hội.
- Tuy nhiên, với tình hình phát triển kinh tế – xã hội hiện nay và xu hướng phát triển thời gian tới, chính sách thuế GTGT đã phát sinh một số hạn chế, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để phát huy hơn nữa vai trò của loại thuế này. Qua thực tiễn hỗ trợ các DN tuân thủ quy định thuế và hải quan, chuyên gia của Deloitte nhận thấy quy định hiện hành đang tồn tại một số vướng mắc phổ biến nên được tháo gỡ, đặc biệt là chính sách thuế GTGT đối với khu phi thuế quan, DN chế xuất và hoạt động xuất khẩu.
- Theo ông Bùi Ngọc Tuấn, tại dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) lần này, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều nội dung sửa đổi phù hợp hơn với thực tiễn và giải quyết nhiều vướng mắc như: phạm vi đối tượng không chịu thuế, kê khai khấu trừ thuế. Đồng thời, dự thảo luật có nội dung đề xuất mang tính đột phá như bỏ áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với nhiều dịch vụ xuất khẩu.
Thêm ý kiến về vấn đề này, luật sư, TS. Phan Hoài Nam – thành viên Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) và Hiệp hội Thuế quốc tế Anh Quốc (CIOT) nhận định:
- Việc cải cách chính sách thuế nói chung và chính sách thuế GTGT nói riêng sẽ góp phần thực hiện yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng mà thực tế phát triển kinh tế hội nhập đang và sẽ đặt ra. Luật thuế GTGT sửa đổi phù hợp với xu hướng cải cách thuế GTGT của các nước. Đồng thời, các quy định mới giúp chuẩn bị nền tảng chính sách vững chắc để đón nhận những “luồng gió mới” về đầu tư và phát triển kinh tế, sau một chu kỳ khó khăn đang trải qua.
- TS. Phan Hoài Nam cho rằng, tại dự thảo Luật thuế GTGT sửa đổi lần này, các nội dung sửa đổi, bổ sung mang ý nghĩa góp phần khắc phục những hạn chế, tồn tại hiện nay bằng cách bám sát theo 5 nhóm chính sách gồm: hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT; hoàn thiện các quy định về giá tính thuế GTGT; hoàn thiện các quy định về thuế suất thuế GTGT; hoàn thiện các quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào; hoàn thiện các quy định về hoàn thuế GTGT. Vì vậy, ông đánh giá cao thời điểm sửa Luật cũng như các nội dung đổi mới trong dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi này.
2. Quy định trách nhiệm cơ quan Thuế trong xử lý hoàn thuế
Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi quy định: Khi thực hiện công vụ hoàn thuế hoặc kiểm tra, thanh tra hoàn thuế, công chức thuế được loại trừ trách nhiệm hình sự trong trường hợp người nộp thuế cung cấp thông tin, tài liệu, số liệu không trung thực, không chính xác mà tại thời điểm thực hiện hoàn thuế hoặc thời điểm kết thúc hoạt động kiểm tra, thanh tra hoàn thuế, công chức thuế không thể biết hoặc không thuộc trách nhiệm phải biết về tính trung thực, chính xác do người nộp thuế cung cấp và công chức thuế đã tuân thủ đúng các quy định pháp luật về thuế GTGT và pháp luật quản lý thuế, đã tuân thủ đúng quy định, quy trình về quản lý rủi ro hoàn thuế GTGT.
Bình luận về dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cũng đánh giá cao những đề xuất của Bộ Tài chính, bởi ngoài việc sửa đổi về mức thuế, tại dự thảo luật này sẽ sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho người nộp thuế cũng như cơ quan quản lý. Điều này không chỉ là một bước quan trọng để hỗ trợ tốt hơn cho người nộp thuế mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.
Bộ Tài chính cho biết, quan điểm xây dựng Luật Thuế GTGT sửa đổi là kế thừa và phát huy những quy định đã mang lại tác động tích cực đến kinh tế – xã hội của Luật thuế GTGT hiện hành. Những nội dung cần sửa đổi, bổ sung phải có quy định rõ ràng, minh bạch, có đánh giá tác động cụ thể, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời, đảm bảo mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế…
IV. Lợi ích chuyển đổi mã số thuế theo mã định danh cá nhân
Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ cũng đã đưa ra các mục tiêu về phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số. Trong đó, xác định phát triển kinh tế số nền tảng với trọng tâm là các nền tảng số quốc gia, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực; phát triển kinh tế số ngành với trọng tâm là ưu tiên đưa vào sử dụng các nền tảng số dùng chung, thống nhất trong từng ngành, lĩnh vực.
Để triển khai nhiệm vụ “Hoàn thiện việc đồng bộ dữ liệu về thuế đối với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư và làm sạch, thống nhất sử dụng mã số định danh công dân là mã số thuế” tại Đề án “ Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06), Tổng cục Thuế đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) thực hiện Quy trình trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu quản lý thuế, sử dụng dịch vụ truy vấn từ Cơ sở dữ liệu của Bộ Công an, làm việc với cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) đề nghị phối hợp rà soát, chuẩn hóa thông tin của các mã số thuế (MST) cá nhân có thông tin tại Cơ sở dữ liệu BHXH,…
- Việc sử dụng thống nhất mã số định danh công dân là mã số thuế sẽ giúp thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý thuế nói riêng và công tác quản lý nhà nước nói chung; Đồng thời, công dân có thể sử dụng mã số định danh để tra cứu thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có thể thay thế Căn cước công dân (CCCD)/Hộ chiếu, và đặc biệt là có thể thay thế cho mã số thuế cá nhân khi thực hiện các thủ tục liên quan đến việc khai thuế, nộp thuế, đăng ký giao dịch điện tử….
- Nếu như trước đây mỗi người được cấp một số Chứng minh nhân dân (CMND) hoặc CCCD rồi lại được cấp thêm mã số thuế, mã số sổ BHXH, số thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT)…thì công dân phải ghi nhớ rất nhiều loại thông tin và kê khai các thông tin này cho các cơ quan quản lý nhà nước khác nhau. Cơ quan nhà nước thực hiện quản lý độc lập và không có sự liên kết, trao thông tin giữa các ngành, lĩnh vực.
- Khi sử dụng thống nhất mã số định danh công dân làm mã số thuế nói riêng để giải quyết thủ tục hành chính với cơ quan Thuế và sử dụng mã định danh để giải quyết thủ tục hành chính với các cơ quan nhà nước khác thì người dân chỉ cần kê khai thông tin số định danh của mình; các cơ quan quản lý nhà nước có thể trao đổi thông tin về quản lý theo ngành, lĩnh vực đối với công dân để tăng cường hiệu quả quản lý thuế nói riêng và quản lý nhà nước nói chung. Do vậy, người dân tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí, giảm nhiều khâu thủ tục, giảm giấy tờ cá nhân khi thực hiện các giao dịch hành chính công; đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cũng tiết kiệm được thời gian quản lý, bố trí nguồn nhân lực phù hợp cho từng vị trí công việc.
- Bên cạnh đó, đối với cá nhân có thông tin đăng ký thuế khớp đúng với CSDL quốc gia về dân cư, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Bộ Công an để triển khai việc sử dụng tài khoản định danh điện tử để đăng nhập, xác thực thông tin người nộp thuế trên các nền tảng của ngành Thuế (website ngành thuế, app Etax mobile). Khi người nộp thuế có tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan Thuế hoặc tài khoản định danh điện tử VNeID và các cơ quan quản lý nhà nước đã có sự kết nối, chia sẻ thông tin thì người nộp thuế không phải kê khai nhiều thông tin cá nhân như trước đây hoặc thông tin đã được tích hợp trong tài khoản định danh cá nhân sẽ được hỗ trợ tự động điền vào phần thông tin kê khai của người nộp thuế.
- Ngoài ra, định danh số công dân đang là xu hướng toàn cầu. Nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện việc này từ nhiều năm trước, trong đó có hai hình thức định danh số phổ biến, đó là: định danh qua Căn cước điện tử và thông qua thiết bị di động. Nhiều nước cũng đang áp dụng đồng thời nhiều phương thức nhằm tạo ra một xã hội phát triển trên nền tảng số hiện đại. Nếu phát triển được hệ thống định danh, hệ sinh thái định danh tin cậy sẽ thúc đẩy các giao dịch kinh tế và hành chính trong tương lai.
- Tại Nhật Bản, trẻ em từ khi sinh ra đã có Thẻ Mã số cá nhân (My number card), gồm 12 chữ số và không trùng lặp với bất kỳ ai, mã số này sẽ không thay đổi trong suốt cuộc đời của mỗi người. Đây là thẻ CMND có gắn chíp, chứa đựng toàn bộ thông tin cá nhân, có thể sử dụng như thẻ BHYT, thẻ nhận tiền trợ cấp phúc lợi xã hội…
- Tại Pháp, Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống liên kết định danh quốc gia cho phép kết nối giữa các dịch vụ công trực tuyến với 1 lần đăng nhập duy nhất (France Connect) nhờ hoàn thành việc tích hợp định danh số. Công dân Pháp chỉ cần đăng nhập hệ thống này để có thể sử dụng tất cả các dịch vụ công trực tuyến do các cơ quan Nhà nước cung cấp, trong đó có cơ quan Thuế.
Ngành Thuế xác định triển khai rà soát, chuẩn hóa MST cá nhân là nhiệm vụ chính trị quan trọng đã được Chính phủ, Bộ Tài chính chỉ đạo để hoàn thiện việc đồng bộ dữ liệu về thuế với CSDL quốc gia về dân cư, và làm sạch, thống nhất sử dụng mã số định danh làm mã số thuế như Luật Quản lý thuế quy định. Thời gian tới, Tổng cục thuế sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công An đẩy mạnh công tác này để tiến tới hoàn thành việc sử dụng mã định danh công dân làm mã số thuế, tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
V. Cục Thuế TP. Hà Nội đồng hành hỗ trợ cùng người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế
Cục Thuế TP. Hà Nội triển khai Chương trình “Đồng hành cùng DN, tổ chức, cá nhân thực hiện quyết toán thuế năm 2023” từ ngày 18/03/2024 đến ngày 02/05/2024. Các chức năng hỗ trợ bao gồm hỗ trợ về chính sách, công nghệ thông tin và kê khai thuế.
Với mong muốn hỗ trợ, đồng hành cùng người nộp thuế (NNT) thực hiện quyết toán thuế năm 2023, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, thực hiện mục tiêu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, hỗ trợ NNT, Cục Thuế TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến qua website với chủ đề “Cục Thuế TP. Hà Nội hướng dẫn, hỗ trợ, đồng hành cùng NNT thực hiện quyết toán thuế năm 2023”.
- Chương trình hỗ trợ trực tuyến trên nền tảng website của Cục Thuế TP Hà Nội. NNT có thể truy cập vào website của Cục Thuế tại địa chỉ: http://hanoi.gdt.gov.vn, đặt câu hỏi để được Cục Thuế TP. Hà Nội và các Chi cục Thuế trực thuộc hỗ trợ giải đáp trực tiếp những nội dung vướng mắc thuộc thẩm quyền.
- Đối với những vướng mắc vượt thẩm quyền (nếu có), Cục Thuế sẽ tổng hợp và báo cáo cơ quan có thẩm quyển kịp thời tháo gỡ. Cục Thuế TP. Hà Nội lưu ý NNT, giao diện chương trình hỗ trợ trực tuyến của Cục Thuế TP. Hà Nội chỉ được mở trên website trong thời gian diễn ra chương trình.
- Tham dự có Lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội; đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Hội Tư vấn Thuế Việt Nam; Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội; Tổng cục Thuế; các chuyên gia về chính sách thuế tại Văn phòng Cục Thuế, 25 Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã, khu vực và sự tham dự của hơn 200.000 DN, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, NNT trên địa bàn.
Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội Vũ Mạnh Cường cho biết:
- Tăng trưởng kinh tế thế giới 2024 có xu hướng chậm lại, sức ép về lạm phát, chi phí lãi vay, tỷ giá và các chi phí nguyên vật liệu có xu hướng tăng cao, thị trường truyền thống có xu hướng thu hẹp lại đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trước tình hình đó, Quốc hội, Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp nhằm tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng DN, NNT vượt qua khó khăn để ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.
- Năm 2024, Cục Thuế TP. Hà Nội trọng tâm triển khai Chương trình “Đồng hành cùng DN, tổ chức, cá nhân thực hiện quyết toán thuế năm 2023” từ ngày 18/03/2024 đến ngày 02/05/2024 đồng loạt tại Văn phòng Cục và 25 Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã, khu vực với 03 chức năng hỗ trợ: Hỗ trợ về chính sách, Hỗ trợ về công nghệ thông tin, Hỗ trợ về kê khai thuế.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội đánh giá cao sự hỗ trợ của Cục Thuế TP. Hà Nội thông qua tháng đồng hành cùng NNT:
- Với việc đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành thuế, thời gian qua số lượng các DN được cơ quan thuế giải quyết khó khăn vướng mắc nhiều hơn, các thủ tục được giải quyết nhanh hơn, hiệu quả hơn.
- Ông Mạc Quốc Anh cho rằng, nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý thuế, Cục Thuế TP. Hà Nội là đơn vị triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, qua đó các vướng mắc về CNTT của các DN đều đã được giải quyết rất thuận lợi.
Chương trình hỗ trợ trực tuyến của Cục Thuế với mục đích hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho NNT trong việc tuân thủ chính sách pháp luật thuế và thủ tục quyết toán thuế thông qua việc trực tiếp giải đáp cụ thể các vướng mắc, khó khăn phát sinh sẽ giúp DN và NNT nâng cao được năng lực tuân thủ các quy định pháp luật về thuế.
Tại chương trình, phần lớn các vướng mắc, bất cập được phản ánh trong công tác này đều được cơ quan quản lý thuế ghi nhận và tập trung giải quyết triệt để tạo thuận lợi cho DN trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước.
VI. Lũy kế thu ngân sách 2 tháng đầu năm 2024 do ngành Thuế quản lý ước đạt 361.672 tỷ đồng
Chiều ngày 01/03/2024, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn đã chủ trì Hội nghị giao ban Tổng cục Thuế đánh giá tình hình thực hiện chương trình công tác thuế 2 tháng đầu năm 2024, kế hoạch triển khai nhiệm vụ và chương trình công tác thuế tháng 3 năm 2024.
1. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ngay từ đầu năm
Ngay từ những tháng đầu năm 2024, ngành Thuế tiếp tục tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý thu ngân sách theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính. Toàn ngành Thuế đã phát động phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), người nộp thuế (NNT); triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại, giải đáp vướng mắc cho NNT.
Báo cáo tại hội nghị:
- Tổng thu NSNN do cơ quan thuế quản lý lũy kế 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 361.672 tỷ đồng, đạt 24,3% so với dự toán pháp lệnh, bằng 112,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 9.740 tỷ đồng, bằng 21,2% so với dự toán, bằng 97,4% so với cùng kỳ năm 2023 và thu nội địa ước đạt 351.933 tỷ đồng, bằng 24,4% so với dự toán pháp lệnh, bằng 113,4% so với cùng kỳ năm 2023. Thu thuế, phí nội địa ước đạt 276.283 tỷ đồng, bằng 25,5% so với dự toán pháp lệnh, bằng 112% so với cùng kỳ năm 2023.
- So với dự toán, có 37/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán đạt khá (trên 20%); còn 26/63 địa phương có tiến độ thu đạt thấp (dưới 20%). Có 53/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ năm 2023, 10/63 địa phương có tổng thu thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023.
2. Tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý thuế
Đối với kết quả thực hiện các chức năng quản lý thuế, 2 tháng đầu năm 2024 toàn ngành Thuế đã thực hiện được 3.830 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 5,8% kế hoạch năm 2024; kiểm tra được 8.593 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 3.746 tỷ đồng. Tổng số tiền đã nộp vào ngân sách là 464 tỷ đồng, bằng 34% số tăng thu qua thanh tra kiểm tra.
- Về công tác thu nợ tiền thuế, tổng số tiền thu nợ thuế của toàn ngành lũy kế tính đến cuối tháng 2/2024 ước thu được 21.000 tỷ đồng.
- Về tình hình hoạt động của các DN, tính đến thời điểm 19/02/2024, toàn quốc có 918.700 DN đang kinh doanh, giảm 3.895 DN (0,4%) so với thời điểm 31/12/2023.
- Riêng về hoàn thuế GTGT, cơ quan thuế đã ban hành 3.017 quyết định hoàn thuế GTGT với tổng số tiền thuế hoàn là 21.687 tỷ đồng, trong đó: Hoàn xuất khẩu là 19.749 tỷ, đầu tư là 1.726 tỷ, trường hợp khác là 212 tỷ đồng), bằng 12,7% so với dự toán hoàn thuế GTGT năm 2024.
3. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế
Công tác vận hành, xử lý hạ tầng kỹ thuật hệ thống hóa đơn điện tử hoạt động ổn định 24/7, đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, và xử lý cấp mã hóa đơn điện tử, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, tổ chức, cá nhân kinh doanh.
- Tính đến cuối tháng 2/2024, tổng số hóa đơn đã tiếp nhận và xử lý là hơn 6,8 tỷ hóa đơn, trong đó, có 1,92 tỷ hóa đơn có mã và 4,88 tỷ hóa đơn không mã. Về triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền đã có 42.845 DN, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công, với số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là hơn 180,6 triệu hóa đơn.
- Bên cạnh đó, công tác triển khai dịch vụ đăng ký, nộp thuế điện tử qua ứng dụng Etax Mobile, kết quả có 795.286 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng Etax Mobile; Số giao dịch qua ngân hàng thương mại: 1.127.342 giao dịch với tổng số tiền đã nộp thành công 2.954 tỷ đồng.
- Về công tác quản lý thuế đối với thương mại điện tử, đã có 84 nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) đăng ký và được cấp MST qua Cổng Thông tin điện tử. Trong đó có 67 NCCNN đã kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, tổng số thuế các NCCNN đã nộp là 2.030 tỷ đồng.
4. Nỗ lực, tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thuế
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn đề nghị các đơn vị trong toàn ngành Thuế nỗ lực, tập trung triển khai một số nhóm nhiệm vụ cơ bản để triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thuế. Cụ thể:
- Một là, bám sát và đánh giá tình hình kinh tế trong nước, thế giới; phân tích, nhận định những tác động từ những chính sách tài khóa tiền tệ mà các quốc gia đang thực hiện có thể tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong nước để nhận diện đúng những rủi ro, kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ có kịch bản, giải pháp chủ động trong điều hành thu NSNN trong tháng 03 và quý I/2024.
- Hai là, tăng cường công tác quản lý hoàn thuế GTGT, đảm bảo thực hiện hoàn thuế đúng đối tượng quy định, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ theo đúng quy định.
- Ba là, tiếp tục triển khai có hiệu quả các gói hỗ trợ đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, hỗ trợ kịp thời cho DN và người dân vượt qua khó khăn, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho NSNN.
- Bốn là, tập trung triển khai thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt; Xây dựng và triển khai công tác thanh tra, kiểm tra theo các chuyên đề chống thất thu trong các lĩnh vực có rủi ro cao về thuế như: giao dịch liên kết, chuyển nhượng vốn, thương mại điện tử, hoàn thuế GTGT, gian lận sử dụng HĐĐT, khai thác tài nguyên, khoáng sản, kinh doanh dịch vụ.
- Năm là, tiếp tục tổ chức quản lý thuế hiệu quả đối với các NCCNN: Rà soát, đôn đốc các NCCNN chưa thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trên Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; Tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện các nội dung nâng cấp Cổng Thông tin điện tử dành cho NCCNN đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện.
- Sáu là, đẩy mạnh áp dụng công cụ phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác quản lý thuế, quản lý hóa đơn, kiểm soát rủi ro, phòng chống gian lận về HĐĐT, gian lận hoàn thuế GTGT,… nâng cao hiệu quả quản lý thuế. Đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, ứng dụng CNTT, tự động hóa trong triển khai các chức năng quản lý thuế.
- Bảy là, tiếp tục triển khai theo tiến độ công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết việc thi hành Nghị quyết số 107/2023/QH15 của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nhiệm vụ khác theo chương trình.
- Tám là, triển khai quyết liệt hơn nữa HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, phát hành HĐĐT sau từng lần bán hàng đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu, đôn đốc các đơn vị kinh doanh xăng dầu thực hiện theo quy định.
- Chín là, triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số và các chuyên đề chống thất thu theo chương trình công tác năm 2024.
VII. Sửa chính sách thuế, hải quan theo thông lệ quốc tế, tăng thuận lợi cho doanh nghiệp
Tại Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và doanh nghiệp Hàn Quốc về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024 được tổ chức chiều 29/02/2024, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn khẳng định, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung các luật về thuế theo thông lệ quốc tế để phục vụ doanh nghiệp tốt hơn
1. Mang lại sự hài lòng cho doanh nghiệp
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết Bộ Tài chính mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp thẳng thắn, xây dựng của cộng đồng doanh nghiệp (DN) nói chung và DN Hàn Quốc nói riêng, nhằm tiếp tục cải cách, hoàn thiện chính sách theo hướng ngày càng minh bạch. Qua đó, giúp DN thực hiện chính sách thuế – hải quan được đầy đủ, nhanh chóng và thuận tiện nhất.
Theo đó, thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia các năm qua cũng như trong giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC), trong đó có thủ tục về thuế – hải quan để tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi một cách bình đẳng cho các DN trong nước và các DN có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm cả các DN Hàn Quốc), tạo thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế với ngân sách nhà nước (NSNN).
Cùng với đó, Bộ Tài chính đã và đang triển khai trên nhiều mặt công tác, tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách TTHC, hiện đại hóa tạo thuận lợi cho DN. Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, Bộ Tài chính luôn xếp trong nhóm 3 bộ đứng đầu về Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố.
- Trong lĩnh vực thuế, triển khai thực hiện khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế theo phương thức điện tử cho người nộp thuế được thực hiện công khai, minh bạch, thủ tục đơn giản, dễ hiểu. Đặc biệt, hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT) đã chính thức áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ ngày 01/07/2022 với toàn bộ các tổ chức, DN, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang hoạt động, có sử dụng hóa đơn chuyển sang sử dụng HĐĐT tạo bước đột phá trong chuyển đổi số DN và xã hội.
- Trong lĩnh vực hải quan, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và hướng tới mục tiêu xây dựng Hải quan Việt Nam chuyên nghiệp – minh bạch – hiệu quả. Ngay từ đầu năm 2023, đã thực hiện 10 nhóm chỉ tiêu cải cách và đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện, trong đó, đáng chú ý là giảm 10,67% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ, giảm 8,51% tỷ lệ tờ khai luồng vàng so với năm 2022. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tiếp tục thực hiện Chương trình hỗ trợ khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Tính đến 28/02/2024, toàn quốc có 289 DN đã tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ.
- Theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, hiện 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Cho đến nay, tổng số DVCTT của Bộ Tài chính thực tế triển khai là 813, trong đó, tổng số DVCTT mức độ 3, 4 là 464 (tỷ lệ 57,07%).
- Hoàn thành kết nối, tích hợp 296/464 DVCTT mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 63,79% (vượt hơn 30% so với yêu cầu của Chính phủ). Bên cạnh đó, DVCTT của Bộ Tài chính cung cấp ngày càng nhiều tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân, DN khi tham gia giao dịch với cơ quan tài chính.
2. Tiếp tục đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết:
- Trong thời gian tới, bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức từ những tác động bất lợi chung của kinh tế thế giới, ảnh hưởng tới quá trình hồi phục và phát triển của nền kinh tế. Theo đó Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp. Trước mắt sẽ tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ và giảm thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, tham mưu việc đánh giá, rà soát và sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế theo đúng Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, hướng tới một hệ thống thuế có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho NSNN, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển bền vững của nền kinh tế. Theo đó, trước mắt trong năm 2024 dự kiến trình Quốc hội 3 dự án Luật quan trọng là: Luật thuế GTGT (sửa đổi), Luật thuế TTĐB (sửa đổi), và Luật thuế TNDN (sửa đổi). Trong đó:
- Tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định về đối tượng chịu thuế/không chịu thuế, quy định về giá tính thuế, thuế suất…, theo hướng theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, điều tiết thu nhập hợp lý, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, minh bạch, khuyến khích đầu tư, kinh doanh, hạn chế gian lận, trốn thuế
- Đồng thời điều tiết tiêu dùng phù hợp với xu hướng tiêu dùng trong xã hội, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường theo đúng chủ trương, đường lối và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
- Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi thương mại trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, hướng tới mục tiêu củng cố cơ sở pháp lý về thông tin hải quan, trị giá hải quan, nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người khai hải quan; tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng mô hình hải quan thông minh, hải quan số; đơn giản hoá TTHC, đảm bảo tính minh bạch trong việc thực hiện các TTHC, tạo thuận lợi cho DN trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá.
Để công tác xây dựng, sửa đổi các chính sách thuế cũng như việc thực thi các chính sách thuế, hải quan thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế, Bộ Tài chính Việt Nam hy vọng tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp thẳng thắn, xây dựng của cộng đồng DN Hàn Quốc, nhằm tiếp tục cải cách, hoàn thiện theo hướng ngày càng minh bạch, cụ thể hơn, giúp người nộp thuế thực hiện chính sách thuế được đầy đủ, nhanh chóng và thuận tiện, góp phần khuyến khích đầu tư, khuyến khích xuất khẩu và phù hợp với thông lệ quốc tế, cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới của Việt Nam.
VIII. Xử lý doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thực hiện quy định về hóa đơn điện tử
Bộ Công Thương đề nghị các địa phương phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng chức năng xem xét, xử lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đến hết ngày 31/03/2024 không thực hiện quy định về hóa đơn điện tử.
Bộ Công Thương đã gửi các văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các sở Công Thương các tỉnh, thành phố; các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; các thương nhân phân phối xăng dầu về việc thực hiện quy định về hóa đơn điện tử và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định.
Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị:
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành tập trung ưu tiên nguồn lực hỗ trợ thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện quy định về việc lập và phát hành hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu, đặc biệt là trong việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho khách hàng theo từng lần bán hàng và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định. Đồng thời, tăng cường đôn đốc, giám sát, kiểm tra và quyết liệt thực hiện quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương để chỉ đạo lực lượng chức năng xem xét, xử lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đến hết ngày 31/3/2024 không thực hiện quy định về hóa đơn điện tử.
- Đối với các sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Công Thương đề nghị đôn đốc, giám sát các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu; lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các khách hàng theo từng lần bán tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định. Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ cân đối cung – cầu mặt hàng xăng dầu không để xảy ra tình trạng cửa hàng xăng dầu dừng bán gây thiếu hụt nguồn cung cục bộ trên địa bàn.
Trong văn bản gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, các thương nhân phân phối xăng dầu, Bộ Công Thương đề nghị các thương nhân kinh doanh xăng dầu nghiêm túc chấp hành đúng quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu; lập hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, đặc biệt là trong việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các khách hàng theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định.
IX. Lưu ý gì khi kê khai, quyết toán thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường?
Để tránh những sai sót khi thực hiện kê khai, quyết toán thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản, người nộp thuế (NNT) cần lưu ý đến việc kê khai và thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường.
Thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường thuộc loại thuế khai theo tháng, quyết toán theo năm (và quyết toán đến thời điểm giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng hoặc tổ chức lại doanh nghiệp).
Theo quy định, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính. Hoặc chậm nhất là ngày thứ 45 kể từ ngày xảy ra sự kiện (là ngày kết thúc hợp đồng khai thác hoặc ngày quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi sở hữu, giao, bán, khoán, cho thuê đối với hồ sơ quyết toán thuế).
1. Một số lưu ý khi kê khai, quyết toán thuế tài nguyên
- Mẫu biểu hồ sơ kê khai và quyết toán thuế tài nguyên (phụ lục II ban hành kèm Thông tư số 80/2021/TT-BTC): Mẫu số 01/TAIN – Tờ khai thuế tài nguyên; Mẫu số 02/TAIN – Tờ khai quyết toán thuế tài nguyên; Phụ lục số 01-1/TAIN: Phụ lục bảng phân bổ số thuế tài nguyên phải nộp đối với hoạt động sản xuất thủy điện (nếu có); Hướng dẫn kê khai một số chỉ tiêu trên tờ khai Mẫu số 02/TAIN – Tờ khai quyết toán thuế tài nguyên:
- Người nộp thuế cần lưu ý tự kiểm tra, rà soát và đối chiếu việc kê khai sản lượng quyết toán thuế tài nguyên phải phù hợp với sản lượng tài nguyên khai thác nhập trong năm theo dõi trên sổ sách kế toán, sản lượng khai thác tài nguyên khai thác thực tế báo cáo Sở tài nguyên và môi trường hoặc sản lượng được xác định của các cơ quan có thẩm quyền theo Luật Khoáng sản liên quan (thực tế thời gian qua có phát sinh sai lệch sản lượng so với số liệu thanh tra sở Tài nguyên môi trường, dẫn đến vi phạm qua kiểm toán…).
- Trường hợp doanh nghiệp khai thác tài nguyên nhưng không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra sản phẩm công nghiệp thì giá tính thuế tài nguyên là giá bán sản phẩm công nghiệp trừ đi chi phí chế biến phát sinh của công đoạn chế biến từ sản phẩm tài nguyên thành sản phẩm công nghiệp nhưng không thấp hơn giá tính thuế do UBND cấp tỉnh quy định. Doanh nghiệp khi có phát sinh chi phí chế biến được trừ gửi hồ sơ về Sở Tài chính (quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư số 152/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính và Điều 2 Quyết định giá tính thuế tài nguyên của UBND tỉnh).
- Người nộp thuế cần lưu ý tự kiểm tra, rà soát và đối chiếu doanh thu bán sản phẩm tài nguyên trong năm theo dõi trên sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ, sản lượng bán trong trong kỳ nhằm xác định đúng giá tính thuế đơn vị tài nguyên theo quy định trên tờ khai quyết toán thuế tài nguyên.
- Tại thời điểm khai quyết toán thuế tài nguyên, trường hợp doanh nghiệp phát hiện có sai sót trong tờ khai tháng thì phải kê khai bổ sung tờ khai tháng có sai sót rồi sau đó tổng hợp vào tờ khai quyết toán thuế năm.
2. Một số lưu ý khi kê khai, quyết toán phí bảo vệ môi trường
- Người nộp thuế thực hiện kê khai quyết toán phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên mẫu tờ khai Mẫu số 02/PBVMT được ban hành ở phụ lục II kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.
- Phương pháp tính phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản được xác định theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP; Điều 7 Nghị định số 27/2023/NĐ-CP ngày 31/05/2023 (áp dụng từ ngày 15/07/2023).
- Theo quy định, sản lượng kê khai phí bảo vệ môi trường theo qui định là sản lượng tài nguyên nguyên khai, do đó trường hợp tài nguyên khai thác không phải qui đổi thì sản lượng kê khai phí bảo vệ môi trường thường bằng sản lượng kê khai thuế tài nguyên (cát, đất,…)
- Doanh nghiệp cần lưu ý một số trường hợp được miễn thuế tài nguyên nhưng không được miễn phí bảo vệ môi trường hoặc ngược lại để xác định đúng sản lượng tài nguyên khai thác, sử dụng đúng qui định.
Cơ quan thuế nơi người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường có trách nhiệm chuyển cơ quan tài nguyên và môi trường thông tin chi tiết về khối lượng đất đá bóc, đất đá thải và khối lượng khoáng sản tài nguyên khai thác để cơ quan tài nguyên và môi trường xác nhận sản lượng.
Doanh nghiệp cần lưu ý kê khai chuẩn xác sản lượng kê khai thuế tài nguyên và sản lượng kê khai phí bảo vệ môi trường để không chênh lệch so với xác nhận của cơ quan tài nguyên và môi trường dẫn đến rủi ro cho doanh nghiệp.
X. Dự kiến năm 2025 sẽ sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 18/03/2024, chất vấn Bộ trưởng Hồ Đức Phớc về thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho biết, mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế được áp dụng từ ngày 01/07/2020 tới nay không còn phù hợp với các chỉ số lạm phát tăng và tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết phương án xét mức giảm trừ gia cảnh bản thân và người phụ thuộc khi xác định thuế TNCN thời gian tới và mức bao nhiêu là phù hợp.
Cùng nội dung chất vấn với đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị Bộ trưởng quan tâm việc nâng mức giảm trừ gia cảnh trong vấn đề tính thuế thu nhập cá nhân, từ đó mới có thể tăng tiêu dùng, hỗ trợ cho kinh tế tăng trưởng trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn của các đại biểu về nội dung nêu trên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết:
- Việc tính thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh, theo quy định hiện nay, phải thực hiện theo đúng pháp luật. Theo đó, muốn thay đổi mức giảm trừ gia cảnh thì phải sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân.
- Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, theo kế hoạch năm 2025 sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân. Khi đó, Bộ Tài chính sẽ nêu quan điểm, đồng thời lấy ý kiến các tầng lớp Nhân dân và các cơ quan để xây dựng lại yếu tố về giảm trừ gia cảnh trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Liên quan đến tranh luận của đại biểu Trần Hoàng Ngân về việc hiện nay doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp hiện nay rút khỏi thị trường rất lớn, do đó, cần có giải pháp đột phá hơn, nhất là giảm thuế, phí, Bộ trưởng cho rằng:
- Thuế, phí là nguồn thu ngân sách, nếu cứ giảm thuế, phí thì giảm sức mạnh tài chính công. Trong khi Đất nước đang còn bội chi ngân sách thì việc giảm thuế, phí không mang lại nhiều hiệu quả, thậm chí còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.
- Theo Bộ trưởng, trước những khó khăn của nền kinh tế, cần tập trung gỡ nút thắt pháp lý, thủ tục đầu tư, môi trường kinh doanh, chất lượng sản phẩm, nút thắt tín dụng chứ không riêng gì giảm thuế, phí. Bởi một khi hỗ trợ để sản xuất, kinh doanh tốt, doanh nghiệp không nợ thuế, không nợ ngân hàng, không nợ trái phiếu, không nợ bảo hiểm. Và khi doanh nghiệp có tích lũy, có sức khỏe tài chính tốt thì thì tiềm lực của Đất nước cũng sẽ gia tăng.
XI. Kiến nghị một số dịch vụ không phải kinh doanh chứng khoán chịu thuế giá trị gia tăng
Tại dự thảo sửa đổi Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT), Bộ Tài chính đề xuất loại trừ một số dịch vụ không phải là kinh doanh chứng khoán ra khỏi đối tượng đối tượng không chịu thuế GTGT.
Theo Bộ Tài chính:
- Luật thuế GTGT hiện hành quy định đối tượng không chịu thuế GTGT gồm: “Kinh doanh chứng khoán bao gồm: Môi giới chứng khoán; Tự doanh chứng khoán; Bảo lãnh phát hành chứng khoán; Tư vấn đầu tư chứng khoán; Lưu ký chứng khoán; Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; Quản lý danh mục đầu tư chứng khoán; Dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; Hoạt động kinh doanh chứng khoán khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán”. Tuy nhiên, tại Luật Chứng khoán năm 2019 quy định: “Kinh doanh chứng khoán là việc thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và cung cấp dịch vụ về chứng khoán theo quy định tại Điều 86 của Luật này”.
- Theo Bộ Tài chính, các dịch vụ kinh doanh chứng khoán quy định tại Luật thuế GTGT không thống nhất với Luật Chứng khoán. Đồng thời, quy định về kinh doanh chứng khoán tại Luật Chứng khoán cũng rất rộng nên trong quá trình thực hiện phát sinh vướng mắc trong việc xác định thế nào là dịch vụ kinh doanh chứng khoán theo pháp luật về chứng khoán. Do vậy, để vừa đồng bộ với pháp luật về chứng khoán và thực hiện mục tiêu thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định: Kinh doanh chứng khoán bao gồm: Môi giới chứng khoán; Tự doanh chứng khoán; Bảo lãnh phát hành chứng khoán; Tư vấn đầu tư chứng khoán; Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; Quản lý danh mục đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT tại điểm c khoản 9 Điều 5 dự thảo Luật thuế GTGT.
- Chính sách này sẽ giúp tăng thu ngân sách nhà nước vì đã loại trừ một số dịch vụ không phải là kinh doanh chứng khoán ra khỏi đối tượng đối tượng không chịu thuế GTGT theo pháp luật thuế GTGT hiện hành. Đồng thời, giảm chi phí quản lý và chi phí tuân thủ pháp luật cho cơ quan thuế và người nộp thuế do không phải đi xác định thế nào là dịch vụ kinh doanh chứng khoán như hiện nay.
- Quy định này không làm cản trở hoạt động của tổ chức, cá nhân người nộp thuế và cũng không làm tăng thủ tục hành chính. Giảm thủ tục hành chính vì không phải xin xác nhận hay hướng dẫn của cơ quan thuế và cơ quan chứng khoán về xác định dịch vụ kinh doanh chứng khoán thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Đặc biệt, quy định bổ sung không xung đột và trái với các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác như Hiến pháp; các luật thuế hiện hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Quy định bổ sung tạo sự minh bạch, thuận lợi cho việc thực hiện của cơ quan quản lý thuế và người nộp thuế.
XII. Thay đổi nhiều mặt hàng áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 0% và 5%
Tại dự thảo Tờ trình Dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi), Bộ Tài chính đã sửa đổi các quy định liên quan đến mức thuế suất 0% và mức thuế suất 5%.
1. Thêm nhiều nhóm hàng hóa không được áp dụng thuế suất 0%
- Bộ Tài chính đã bổ sung quy định cụ thể tên các dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% như sau: Dịch vụ xuất khẩu là dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, gồm: Dịch vụ cho thuê phương tiện vận tải được sử dụng ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam; Dịch vụ vận tải quốc tế; Dịch vụ của ngành Hàng không, hàng hải cung ứng trực tiếp cho vận tải quốc tế (nội dung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật).
- Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng bổ sung quy định “hàng hóa đã bán tại khu vực cách ly cho cá nhân (người nước ngoài hoặc người Việt Nam) đã làm thủ tục xuất cảnh” và “hàng hóa đã bán tại cửa hàng miễn thuế” thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% (nội dung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật).
- Đồng thời, bổ sung quy định cụ thể 3 nhóm hàng hóa không được áp dụng thuế suất 0% để Luật hóa các quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật (Nghị định, Thông tư) gồm: Thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu; Xăng, dầu mua tại nội địa bán cho xe ô tô của cơ sở kinh doanh trong khu phi thuế quan; Xe ô tô bán cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; Hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho cá nhân không đăng ký kinh doanh trong khu phi thuế quan.
- Bộ Tài chính cũng bổ sung quy định không được áp dụng thuế suất 0% đối với sản phẩm, dịch vụ cung cấp trên các nền tảng số theo quy định của Chính phủ để đảm bảo tính linh hoạt cho việc xác định sản phẩm, dịch vụ này được tiêu dùng tại Việt Nam hay ở nước ngoài tại thời điểm cung cấp. Việc xác định địa điểm tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ cung cấp trên các nền tảng số là rất phức tạp, hiện nay đều chỉ căn cứ theo kê khai của người nộp thuế.
- Tại dự án Luật, Bộ Tài chính bổ sung quy định giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục, hồ sơ và điều kiện áp dụng thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (nội dung quy định tại khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật).
2. Thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%
- Tại dự thảo Tờ trình Dự án Luật thuế GTGT (sửa đổi), Bộ Tài chính đã sửa đổi quy định về đối tượng áp dụng thuế suất 5%. Theo đó, bổ sung quy định để Luật hóa một số quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật (Nghị định, Thông tư) gồm: Không áp dụng thuế suất 5% đối với các loại nước uống đóng chai, đóng bình và các loại nước giải khát khác; Quy định thuốc bảo vệ thực vật thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%.
- Bộ Tài chính quy định rõ “mủ cao su dạng mủ cờ rếp, mủ tờ, mủ bún, mủ cốm” thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%.
- Đồng thời, bỏ quy định “thực phẩm tươi sống” thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% để thực hiện thống nhất theo quy định tại khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác, chỉ qua sơ chế thông thường. Bỏ quy định “lâm sản chưa qua chế biến” thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% (sang áp dụng mức thuế suất 10%) để thu gọn đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% cũng như hạn chế khai thác rừng tự nhiên. Bỏ quy định mặt hàng “đường; phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn” thuộc đối tượng áp dụng thuế suất giá trị gia tăng 5% (sang áp dụng thuế suất giá trị gia tăng 10%).
- Bộ Tài chính quy định rõ “xơ bông đã qua chải thô, chải kỹ” thuộc đối tượng áp dụng thuế suất giá trị gia tăng 5%; “thiết bị, máy móc, dụng cụ y tế theo quy định của pháp luật về quản lý trang thiết bị y tế” thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%.
- Song song với đó, dự án Luật bỏ quy định “các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học” thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% (sang áp dụng mức thuế suất 10%); Bỏ quy định “Hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim” thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% (sang áp dụng mức thuế suất 10%).
Với các nội dung sửa đổi, bổ sung theo đề xuất nêu trên, dự thảo Luật đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% (bỏ 10 hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% gồm: nhựa thông sơ chế; thực phẩm tươi sống; lâm sản chưa qua chế biến; đường; phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn; các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học; hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim).
XIII. Tiếp tục triển khai hiệu quả các gói chính sách, giải pháp về thuế trong năm 2024
Trong Thông báo ý kiến kết luận tại cuộc họp Ban Cán sự Đảng bộ Bộ Tài chính về nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giao Tổng cục Thuế tiếp tục triển khai hiệu quả các gói chính sách, giải pháp về thuế để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó:
- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giao Tổng cục Thuế tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách; Tích cực rà soát, thu hồi các khoản nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế, phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024 đã được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao.
- Tổng cục Thuế tiếp tục triển khai hiệu quả các gói chính sách, giải pháp về thuế trong năm 2024 để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh; tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức triển khai trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, giúp người nộp thuế dễ tiếp cận, nắm bắt kịp thời các chính sách thuế mới, nâng cao tính tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật về thuế của người nộp thuế. Đồng thời, tổ chức đối thoại thường xuyên với người nộp thuế để kịp thời nắm bắt, giải quyết và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của người nộp thuế.
- Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng giao Tổng cục Thuế tiếp tục thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong quản lý thuế, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp về quản lý hóa đơn điện tử; tập trung phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của công tác quản lý thuế, trong đó tập trung: Khai thác hiệu quả Trung tâm cơ sở dữ liệu lớn về thuế, về hóa đơn điện tử, các công cụ phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo AI để tăng cường công tác quản lý thuế, quản lý hóa đơn, kiểm soát, phòng chống gian lận về hóa đơn điện tử, quản lý thuế. Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên toàn quốc.
- Năm 2024, Tổng cục Thuế cũng được giao nhiệm vụ tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, chống chuyển giá, khai thác tăng thu cho ngân sách nhà nước. Vận hành hiệu quả Cổng thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài và Cổng tiếp nhận thông tin từ các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước.
- Bộ trưởng cũng giao Tổng cục Thuế khẩn trương hoàn thiện, trình Bộ trước ngày 26/02/2024 để trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ (hạn trình Chính phủ trong tháng 5/2024), trong đó quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc triển khai, thực hiện.
- Một nhiệm vụ quan trọng khác của Tổng cục Thuế trong năm 2024 đó là tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để rà soát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/05/2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ. Đồng thời, nghiên cứu, báo cáo Bộ tổ chức Hội nghị bàn tròn do Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với 4 bộ, ngành nêu trên để thảo luận, bàn về các giải pháp tăng cường công tác thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử trong nước…
- Tổng cục Thuế cũng cần tiếp tục rà soát, phân tích, đánh giá về tình hình thu ngân sách nhà nước, trong đó phân tích kỹ tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời tham mưu, trình Bộ báo cáo Chính phủ. Đặc biệt, thực hiện tốt công tác nội ngành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ và thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiết kiệm chống lãng phí.
Bạn đang cần tư vấn thiết kế website bán hàng chuyên nghiệp , tham khảo dịch vụ của NKS nhé
NKS - Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ Tri Thức Mới
20 năm tư vấn và cung cấp giải pháp xây dựng thương hiệu toàn diện trên Internet
222 Lê Văn Sỹ, Phường 14, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Email: system@nks.vn
Website: https://nks.com.vn
Hotline: 0932030958