I. Thông báo thời hạn nộp tờ khai thuế trong kỳ kê khai Tháng 02/2024 và kỳ kê khai Năm 2023
NKS xin thông báo hạn nộp hồ sơ khai thuế trong kỳ kê khai Tháng 02/2024 và kỳ kê khai Năm 2023 như sau:
- Hồ sơ khai thuế của kỳ kê khai Tháng 02/2024: Hạn nộp cuối là Thứ Tư ngày 20/03/2024
- Hồ sơ khai thuế của kỳ kê khai Năm 2023: Do ngày cuối của kỳ kê khai Năm 2023 trùng với Chủ nhật (ngày 31/03/2024) nên theo Quy định tại Điều 86 Thông tư số 80/2020/TT-BTC “Trường hợp thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế trùng với ngày nghỉ theo quy định thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế được tính là ngày làm việc tiếp theo của ngày nghỉ đó theo quy định tại Bộ Luật dân sự”, như vậy thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của Năm 2023 là Thứ Hai ngày 01/04/2024.
NKS lưu ý Quý Khách hàng nên kê khai, nộp tờ khai sớm trước thời gian hết hạn ít nhất từ 1 đến 2 ngày để tránh việc quá tải, không gửi được tờ khai.
II. Tổng cục Thuế bàn giải pháp chống thất thu thuế đối với hoạt động Thương mại điện tử
Chiều ngày 23/02/2024, dưới sự chủ trì của Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành, Tổng cục Thuế tổ chức cuộc họp để trao đổi, thảo luận về kế hoạch triển khai thực hiện và đề xuất các giải pháp cụ thể chống thất thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT). Tham dự cuộc họp có Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn; đại diện các đơn vị chức năng thuộc Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP. Hà Nội.
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành nhận định:
- Với sự tác động mạnh mẽ và tiện ích to lớn, TMĐT đã trở thành xu thế tất yếu, khách quan, không thể đảo ngược trên thế giới.
- “Chính sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức mới nêu trên của TMĐT trong thời gian qua cũng đặt ra những thách thức mới, không nhỏ đối với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế, đó là khả năng quản lý đầy đủ các nguồn thu, xác định đối tượng nộp thuế, xác định được căn cứ tính thuế, phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế, kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế và việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng.”
- Để tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động TMĐT, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án: “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam”.
- Đồng thời, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch tổng thể thực hiện các giải pháp tại Đề án quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 2146/QĐ-TCT ngày 12/11/2021). Trên cơ sở kế hoạch tổng thể của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã ban hành Kế hoạch chi tiết kèm theo Quyết định số 1741/QĐ-TCT ngày 29/11/2021 để triển khai Đề án.
- Theo đó, Tổng cục Thuế chú trọng và kịp thời xây dựng, đề xuất, triển khai các giải pháp quản lý thuế trong ngắn hạn và dài hạn nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Bên cạnh những kết quả đạt, kết quả triển khai đến nay vẫn còn hạn chế, yêu cầu đặt ra cho cơ quan thuế phải rà soát thực tế quản lý thuế tại các địa phương để đưa ra các giải pháp quản lý nhằm triển khai công tác quản lý thu thuế với TMĐT mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn cho rằng:
- Để thu thuế với TMĐT đạt hiệu quả hơn, các đơn vị chuyên môn cần tập trung trao đổi thống nhất nhận diện đối tượng tham gia kinh doanh TMĐT, từ đó đề xuất giải pháp cụ thể theo từng nhóm đối tượng.
- Đối với phương pháp quản lý thuế và cách thức thu thập thông tin thông qua các chủ thể có liên quan đến hoạt động kinh doanh TMĐT như chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam, các đơn vị vận chuyển, trung gian thanh toán… cần được đặc biệt lưu ý và nghiên cứu để có giải pháp triển khai phù hợp với thực tiễn vận động của sự phát triển TMĐT trong thời gian tới.
Sau khi nghe ý kiến tham gia của các đơn vị chuyên môn, phát biểu kết luận cuộc họp, Lãnh đạo Tổng cục đề nghị một số nội dung trọng tâm cần triển khai ngay trong thời gian tới. Cụ thể:
- Một là, đơn vị chủ trì có báo cáo toàn diện công tác quản lý thuế với TMĐT, trong đó đánh giá kết quả, nhìn nhận lại những vấn đề còn tồn tại và kiến nghị cụ thể các giải pháp quản lý theo từng nhóm đối tượng để chống thất thu thuế TMĐT.
- Hai là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân thực hiện việc khai thuế, nộp thuế với thu nhập nhận được từ hoạt động kinh doanh TMĐT kết hợp với công khai danh sách người nộp thuế nợ thuế trên trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
- Ba là, nghiên cứu áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
“Quản lý thuế đối với TMĐT khó vì vậy các cơ quan tham mưu của Tổng cục Thuế cần tập trung nghiên cứu thấu đáo các loại hình phát triển của TMĐT, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất những giải pháp phù hợp với yêu cầu phát triển và thực tiễn để đề xuất các bước, các giải pháp phải hướng đến hiệu quả quản lý tại các cơ quan thuế địa phương.” – Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành nhấn mạnh.
III. Đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế để cải thiện môi trường kinh doanh
Tổng cục Thuế vừa có Quyết định số 82/QĐ-TCT ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ, trong đó tiếp tục thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
1. Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Mục tiêu của kế hoạch hành động:
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp (DN) mới thành lập;
- Tăng số lượng DN có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số;
- Giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh;
- Củng cố niềm tin và tạo thêm động lực cho DN vượt qua khó khăn, tiếp tục phục hồi và phát triển.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Tổng cục Thuế tập trung tháo gỡ các vướng mắc, giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) kịp thời cho DN, người nộp thuế đảm bảo đúng đối tượng, chính sách theo quy định. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công.
- Tiếp tục thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, các quy định kinh doanh. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
- Tổng cục Thuế cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Thuế, Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm xây dựng và cụ thể hóa thành kế hoạch hoặc văn bản triển khai (theo thực tế triển khai tại đơn vị). Nghiên cứu, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN.
- “Các đơn vị cần theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ được giao tại kế hoạch hành động, kịp thời báo cáo Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia trong phạm vi quản lý của Tổng cục Thuế.” – là yêu cầu chỉ đạo tại Quyết định số 82/QĐ-TCT.
- Định kỳ trước ngày 05/06 và trước ngày 05/12 hàng năm báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao gửi Văn phòng Tổng cục Thuế để tổng hợp trình Tổng cục và báo cáo Bộ Tài chính.
2. 05 nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên
- Một là, rà soát, báo cáo về chính sách thuế đối với hoạt động chế biến thủy sản gửi Cục Quản lý giám sát chính sách thuế (Bộ Tài chính) tổng hợp báo cáo khi có chương trình sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Hai là, tháo gỡ các vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng, giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời cho doanh nghiệp, người nộp thuế đảm bảo đúng đối tượng, chính sách, quy định.
- Ba là, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công.
- Bốn là, thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/04/2020 và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ.
- Năm là, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ khác về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh.
Tổng cục Thuế yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Thuế, Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện nhiệm vụ theo Kế hoạch này, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, các đơn vị cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực thủ tục hành chính, dịch vụ công đảm bảo chỉ tiêu được giao trong năm 2024 theo yêu cầu tại Nghị quyết.
IV. Khẩn trương xây dựng Nghị định về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung
Sáng ngày 22/02/2024, Tổng cục Thuế tổ chức cuộc họp xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết số 107/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh chủ trì cuộc họp.
- Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách Lưu Đức Huy:
- Ngày 29/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024, áp dụng từ năm tài chính 2024.
- Ngày 08/01/2024, tại Quyết định số 19/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp 6.
- Theo đó, Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024).
- Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã dự thảo Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết 107 để xin ý kiến các thành viên tham gia xây dựng Nghị định. Dự thảo Nghị định đang trong quá trình xin ý kiến các đơn vị thành viên tham gia xây dựng để khẩn trương hoàn thiện trình Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành, và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Sau khi lắng nghe ý kiến trực tiếp, thẳng thắn ý kiến từ phía các thành viên tham gia xây dựng Dự thảo Nghị định, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh đề nghị:
- Đơn vị chủ trì cần tiếp thu toàn diện các ý kiến để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện Dự thảo.
- Đề nghị các thành viên tham gia xây dựng Dự thảo Nghị định cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ và có nhiều ý kiến xác đáng, tiệm cận với thực tế hoạt động của các tập đoàn là đối tượng tác động của Nghị quyết 107/2023/QH15 để tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế trong triển khai áp dụng Nghị định.
- Đơn vị chủ trì cần song song triển khai tổ chức các cuộc khảo sát kết hợp tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo, tọa đàm để xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết số 107/2023/QH15. Theo đó, trước yêu cầu đơn vị chủ trì cần thống nhất hoàn thiện khung đề cương Dự thảo Nghị định.
- “Vụ Chính sách cần tiếp tục ghi nhận ý kiến các thành viên bằng văn bản và phân tích thấu đáo các nội dung góp ý để hoàn thiện Dự thảo trình Lãnh đạo Tổng cục phê duyệt trình Bộ Tài chính đúng lộ trình.”
V. Hỗ trợ kịp thời người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế
Để hỗ trợ người nộp thuế hiểu rõ chính sách, thủ tục, cách thức kê khai, phương thức nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm, thực hiện thủ tục nộp số thuế còn phải nộp hoặc hồ sơ hoàn thuế được thuận lợi, Tổng cục Thuế đã ban hành văn bản số 522/TCT-TTHT ngày 15/02/2024 về hỗ trợ quyết toán thuế.
Theo đó Tổng cục Thuế đề nghị các Cục Thuế:
- Căn cứ vào đặc điểm các nhóm người nộp thuế thuộc địa bàn quản lý, xây dựng chương trình hỗ trợ người nộp thuế (NNT) trong các tháng cao điểm quyết toán thuế, thông báo thời gian, địa điểm, nội dung hỗ trợ trên Trang thông tin điện tử của Cục Thuế và trên phương tiện thông tin đại chúng để NNT thuế biết và tiếp cận hiệu quả phương thức hỗ trợ của cơ quan thuế.
- Các Cục Thuế cần tổng hợp các vấn đề phát sinh, vướng mắc của NNT trong thời gian vừa qua để biên soạn tài liệu hướng dẫn rõ ràng, trong đó lưu ý về các lỗi sai sót mà NNT có thể mắc phải khi thực hiện thủ tục quyết toán thuế; đăng tải nội dung hướng dẫn trên Trang thông tin điện tử của cơ quan thuế.
- Lưu hành các tài liệu hướng dẫn NNT thực hiện chính sách, thủ tục hành chính thuế theo nhiều hình thức khác nhau bảo đảm mọi nhóm NNT đều có thể tiếp cận được thông tin hướng dẫn của Cục Thuế, Chi cục thuế, hiểu rõ nghĩa vụ quyết toán thuế và thực hiện thủ tục quyết toán thuế theo đúng quy định của pháp luật.
- Tăng cường phổ biến, hỗ trợ hướng dẫn NNT là cá nhân biết cách thức lập tài khoản giao dịch thuế điện tử, thực hiện kê khai và nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân trực tuyến, sử dụng các dịch vụ tra cứu thông tin khoán phải nộp và thực hiện nộp thuế qua ứng dụng eTax Mobile.
- Phối hợp với các cơ quan báo, đài để đưa tin về thời hạn, đối tượng, nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN đến các tổ chức chi trả thu nhập và các cá nhân thuộc diện trực tiếp quyết toán thuế TNCN với cơ quan thuế để NNT biết, thực hiện quyết toán theo thời điểm phù hợp, tránh tập trung dồn vào những ngày cuối cùng của kỳ quyết toán.
- Các địa phương rà soát, kiểm điểm, đôn đốc việc trả lời văn bản hỏi của NNT theo đúng thời hạn và đúng quy định; tập trung nguồn lực trả lời các văn bản, vướng mắc của NNT kịp thời; triển khai hiệu quả 479 kênh thông tin hỗ trợ NNT, bố trí cán bộ, công chức có kinh nghiệm trả lời, xử lý các tình huống vướng mắc cho NNT.
- Ưu tiên tổ chức các hội nghị hỗ trợ trực tuyến trên Trang thông tin điện tử của Cục Thuế để NNT trong điều kiện, hoàn cảnh khác nhau có thể gửi câu hỏi, theo dõi nội dung trả lời, tham vấn và áp dụng các tình huống tương tự một cách thuận lợi.
VI. Cơ quan thuế tăng cường các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định
Để tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế trên toàn quốc nhằm hoàn thành chỉ tiêu thu nợ, Tổng cục Thuế đề nghị các Cục Thuế triển khai thực hiện đầy đủ các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế và công khai thông tin theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước (NSNN).
Theo đó, Tổng Cục Thuế đề nghị Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế để thu hồi nợ đọng thuế theo Công văn số 270/TCT-QLN ngày 22/01/2024 của Tổng cục Thuế.
- Đồng thời các Cục Thuế cần nghiêm túc áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế theo quy định đối với người nộp thuế phải áp dụng biện pháp cưỡng chế và công khai thông tin theo quy định để thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN.
- Trong quý I/2024, tập trung rà soát các trường hợp bỏ địa chỉ kinh doanh (đặc biệt lưu ý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, nghi ngờ có buôn bán hóa đơn) để áp dụng các biện pháp cưỡng chế và xem xét ban hành thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với đại diện pháp luật theo quy định.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến công tác cưỡng chế nợ thuế do Tổng cục Thuế tổ chức ngày 30/01/2024, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh đã chỉ đạo:
- Trong năm 2024, các Cục Thuế kiên quyết thực hiện áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với người nộp thuế thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.
- Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan như: cơ quan Công an, Ngân hàng Nhà nước, Toà án, Quản lý thị trường, Kế hoạch đầu tư, Tài nguyên và Môi trường… trong việc thu hồi nợ đọng thuế, đặc biệt là xử lý thu hồi các khoản nợ đọng liên quan đến đất đai, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản…
Tổng cục Thuế đề nghị Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác quản lý nợ, đồng thời chỉ đạo các bộ phận trong cơ quan thuế (pháp chế, kê khai, thanh tra – kiểm tra, quản lý hộ, quản lý đất…) phối hợp chặt chẽ với bộ phận quản lý nợ để đảm bảo việc thực hiện quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế đạt hiệu quả cao.
VII. Đến ngày 01/02/2024 đã có 6.144 cửa hàng kinh doanh xăng dầu phát hành HĐĐT sau từng lần bán hàng
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Thuế, tính đến ngày 01/02/2024, toàn quốc đã có 6.144 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành hóa đơn điện tử (HĐĐT) sau từng lần bán hàng theo quy định.
Hiện nay, nhiều địa phương có tỷ lệ triển khai phát hành HĐĐT sau từng lần bán hàng đạt cao như: Bắc Ninh đạt 97%, Thanh Hóa đạt 95%, Yên Bái đạt 87%, Quảng Nam đạt 79%, Bà Rịa – Vũng Tàu đạt 76%, Đắk Lắk đạt 75%, Quãng Ngãi đạt 74%, Hà Nội đạt 71%…
Để đảm bảo 100% các cửa hàng xăng dầu trong cả nước thực hiện nghiêm về theo tinh thần của Chính phủ về phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thuế chỉ đạo cơ quan thuế tại địa phương quyết liệt triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về HĐĐT đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo đúng quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về hóa đơn, chứng từ.
Theo đó, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện quy định về phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian tới, Tổng cục Thuế tiếp tục chỉ đạo cơ quan thuế địa phương quyết liệt triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về HĐĐT đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu, theo đúng quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ về hóa đơn, chứng từ.
Cụ thể, Tổng cục Thuế giao Cục Thuế các địa phương:
- Tiếp tục giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể đến từng lãnh đạo phòng, chi cục thuế và từng công chức quản lý để thực hiện nhiệm vụ này.
- Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách quy định pháp luật về HĐĐT tới từng DN, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu, để các DN hiểu rõ, nhận thức đầy đủ trách nhiệm và cam kết thực hiện phát hành HĐĐT sau từng lần bán hàng theo quy định.
- Cơ quan thuế địa phương tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện kiểm tra các DN, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn về tình hình chấp hành quy định pháp luật về hóa đơn, chứng từ; xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện quy định về phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1284/CĐ-TTg.
Các Cục Thuế tổ chức chia sẻ kinh nghiệm của các địa phương thực hiện có kết quả cao để các địa phương khác nghiên cứu, hướng dẫn DN, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại địa phương triển khai thực hiện.
VIII. Miễn thuế TNDN, TNCN hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thêm nguồn lực để phát triển
Miễn thuế 05 năm tính từ thời điểm mà doanh nghiệp phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát sinh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Đây là nội dung quan trọng tại Nghị định số 11/2024/NĐ-CP Chính phủ ban hành ngày 02/02/2024.
Theo đó, Nghị định số 11/2024/NĐ-CP quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán dự án đầu tư theo hợp đồng xây dựng chuyển giao; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, có một số điểm đáng chú ý:
- Nghị định quy định doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát sinh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh được miễn thuế TNDN đối với khoản thu nhập này.
- Các DN có thu nhập được miễn thuế TNDN quy định tại khoản này phải đáp ứng quy định của Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh về lĩnh vực ưu tiên; tiêu chí, điều kiện, nội dung hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
- Nghị định quy định thời gian miễn thuế là 5 năm tính từ thời điểm mà DN phát sinh thuế TNDN phải nộp từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát sinh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong thời gian Nghị quyết số 98/2023/QH15 có hiệu lực.
Sau khi Nghị quyết số 98/2023/QH15 hết hiệu lực thi hành, thời gian miễn thuế theo quy định tại khoản này chưa kết thúc thì DN tiếp tục thực hiện cho đến khi kết thúc thời gian miễn thuế.
Trường hợp DN đang trong thời gian miễn hoặc thuộc diện miễn thuế TNDN theo điều kiện hưởng miễn khác với quy định tại Nghị định này thì được lựa chọn hưởng miễn thuế theo điều kiện hưởng miễn thuế khác hoặc miễn thuế theo quy định tại Nghị định này cho thời gian còn lại.
Trong thời gian Nghị quyết số 98/2023/QH15 có hiệu lực thi hành, tổ chức có thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào DN khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh được miễn thuế TNDN đối với khoản thu nhập này.
Như vậy, DN khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh quy định tại khoản này phải đáp ứng quy định của HĐND Thành phố về lĩnh vực ưu tiên; tiêu chí, điều kiện, nội dung hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
- Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, quyền góp vốn quy định tại khoản này là thu nhập có được từ chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn, quyền góp vốn vào DN khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (bao gồm cả trường hợp bán DN), trừ thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định.
- Trường hợp bán toàn bộ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu dưới hình thức chuyển nhượng vốn có gắn với bất động sản thì kê khai và nộp thuế TNDN theo hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Việc xác định thu nhập từ chuyển nhượng vốn, quyền góp vốn và kê khai với cơ quan thuế thực hiện theo pháp luật về thuế TNCN, pháp luật về quản lý thuế.
- Trường hợp DN thực hiện nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh thì DN thực hiện xác định, hạch toán thu nhập từ hoạt động được miễn thuế theo quy định của pháp luật thuế TNDN. DN thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Ngoài ra, Nghị định số 11/2024/NĐ-CP quy định trong thời gian Nghị quyết số 98/2023/QH15 có hiệu lực thi hành, cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào DN khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh được miễn thuế TNDN đối với khoản thu nhập này.
IX. Rà soát thông tin người nộp thuế trên các sàn giao dịch thương mại điện tử
Tổng cục Thuế sẽ tăng cường rà soát cơ sở dữ liệu trên Cổng thông tin điện tử từ các sàn giao dịch thương mại điện tử để quản lý thuế hộ, cá nhân kinh doanh.
Để thực hiện tốt công tác quản lý thuế hộ, cá nhân kinh doanh trên cả nước, Tổng cục Thuế vừa có công văn đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố trên cả nước đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các nội dung quy định của pháp luật về cung cấp thông tin TMĐT đến toàn bộ người nộp thuế, đặc biệt tới các tổ chức là chủ sở hữu sàn TMĐT thuộc địa bàn quản lý; chú trọng tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế là hộ, cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dịch vụ số thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật.
Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế sử dụng thông tin tại mẫu báo cáo được hỗ trợ trên ứng dụng Data Warehouse để kiểm soát lỗi dữ liệu của sàn TMĐT gửi đến như: tính bất hợp lý, không đầy đủ thông tin, dữ liệu có dấu hiệu thiếu tin cậy, theo đó đôn đốc, hướng dẫn các sàn kịp thời gửi lại dữ liệu đầy đủ, đúng theo quy định.
Đáng chú ý, để chống thất thu thuế, Tổng cục Thuế đề nghị các cục thuế tiếp tục rà soát, phối hợp với Sở Công thương để trao đổi thông tin về các tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT trên địa bàn tỉnh để hướng dẫn sản thực hiện cung cấp thông tin theo quy định.
Đồng thời, cần khai thác dữ liệu do các sàn TMĐT cung cấp để phục vụ công tác quản lý thuế. Cụ thể:
- Một là, phân nhóm đối tượng theo yêu cầu quản lý để đưa vào danh sách rà soát;
- Hai là, hướng dẫn đối tượng rà soát thực hiện các thủ tục đăng ký thuế (đối với trường hợp chưa đăng ký thuế), tự khai, tự nộp thuế theo quy định pháp luật.
- Ba là, cơ quan thuế các cấp cũng cần rà soát, đối chiếu với tình hình quản lý thuế thực tế tại địa bàn để xác định các trường hợp có khả năng chưa kê khai hoặc kê khai chưa đầy đủ doanh thu kinh doanh.
- Bốn là, trường hợp thông tin khai thác trên cơ sở dữ liệu có chênh lệch so với số tự kê khai của người nộp thuế thì cơ quan thuế yêu cầu người nộp thuế giải trình bằng các hóa đơn, chứng từ, tài liệu hợp pháp (xác nhận thanh toán hoặc tài liệu khác có thông tin về xác nhận doanh thu giữa người nộp thuế và Sàn TMĐT…) hoặc báo cáo thu nhập sẵn có có thể tự in trực tiếp từ hệ thống của Sàn TMĐT và người nộp thuế cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác.
- Năm là, trường hợp các cá nhân không hợp tác, không phản hồi thông báo của cơ quan thuế thì thực hiện lựa chọn một số trường hợp điển hình, lập danh sách, báo cáo lãnh đạo cơ quan thuế xây dựng chương trình phối hợp với các sở, ngành địa phương thực hiện việc kiểm tra tại địa bàn để xác định chính xác tình hình thực tế, từ đó đề xuất, báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý theo pháp luật thuế và các pháp luật chuyên ngành.
X. Tổng cục Thuế lên kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Tổng cục Thuế vừa ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024.
Theo Tổng cục Thuế, mục đích của kế hoạch đó là cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin pháp luật, nhất là các luật mới ban hành, các văn bản quy phạm pháp luật mới về thuế đến cán bộ, công chức ngành Thuế, người nộp thuế và cộng đồng xã hội, đáp ứng nhu cầu nắm bắt, tìm hiểu văn bản quy phạm pháp luật của các đối tượng thi hành và thực thi hiệu quả.
Để thực hiện mục tiêu này, Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành Thuế cần thực hiện:
- Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật đã được áp dụng từ năm 2022 nhưng có nhiều điểm mới để người nộp thuế tiếp cận, hiểu và thực hiện đúng quy định;
- Phổ biến, tuyên truyền văn bản quy phạm pháp luật mới về thuế ban hành trong năm 2023; văn bản quy phạm pháp luật mới về thuế có hiệu lực thi hành từ năm 2024 và các văn bản quy phạm pháp luật được người nộp thuế, công chức thuế và cộng đồng xã hội quan tâm.
- Về hình thức phổ biến, Tổng cục Thuế chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tùy theo điều kiện thực tế để lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp, hiệu quả như:
- Đăng tải thông tin trên hệ thống Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan thuế, hệ thống các nền tảng mạng xã hội, qua hộp thư điện tử;
- Phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng: báo giấy, báo điện tử, đài truyền hình, đài phát thanh.
- Bên cạnh đó, tập trung triển khai tổ chức hội nghị phổ biến, tập huấn; tổ chức các buổi đối thoại, tọa đàm (trực tiếp hoặc trực tuyến);
- Biên soạn, in ấn cấp phát các tài liệu, ấn phẩm, tờ rơi để giới thiệu, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật đến người nộp thuế.
- Hướng dẫn người nộp thuế tại bộ phận “một cửa” của cơ quan thuế, trả lời vướng mắc của người nộp thuế bằng văn bản, trên Cổng/trang thông tin điện tử cơ quan thuế, qua mục Hỏi – Đáp trên hệ thống Dịch vụ Thuế điện tử (eTax), qua điện thoại.
Tổng cục Thuế giao Vụ Quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân và các đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục, các cục thuế thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với các văn bản quy phạm pháp luật về thuế, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý thuế mới được ban hành liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các đơn vị chủ trì soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2020/NĐ-CP) phối hợp với Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) và các đơn vị có liên quan xác định đối tượng, nội dung, hình thức, thời gian và địa điểm tổ chức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đồng thời, thực hiện tuyên truyền pháp luật cho cộng đồng các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc đăng tải trên hệ thống Cổng/trang thông tin điện tử cơ quan thuế và trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó chú trọng đến việc tuyên truyền đề xuất chính sách mới có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027.
XI. Tăng cường kết nối dữ liệu để chống thất thu thuế thương mại điện tử
Kinh doanh trên nền tảng đến nay vẫn là một hình thức mới nên việc quản lý thuế vẫn còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, ngành Thuế đã xây dựng nhiều giải pháp cụ thể để tăng cường quản lý và chống thất thu thuế.
1. Khó kiểm soát dòng tiền
Theo Tổng cục Thuế, một số khó khăn trong kiểm soát hoạt động TMĐT là:
- Việc quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế. Do phương thức mua bán, giao dịch được thực hiện thông qua các phương tiện trực tuyến, kết nối mạng Internet toàn cầu nên người mua người bán không cần có sự tiếp xúc trực tiếp, không cần địa điểm kinh doanh cố định.
- Hộ, cá nhân kinh doanh TMĐT thường không có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, không có địa chỉ kinh doanh rõ ràng, bên cạnh đó có nhiều đối tượng sử dụng thông tin cá nhân của người khác để đăng ký kinh doanh TMĐT nên khó quản lý được chính xác đối tượng.
- Đặc biệt, hoạt động kinh doanh của các nhà cung cấp nước ngoài được thực hiện hoàn toàn trên nền tảng số, thông qua mạng internet dẫn đến việc cơ quan thuế gặp khó khăn khi thu thập thông tin, xây dựng danh sách nhà cung cấp nước ngoài để yêu cầu đăng ký, kê khai và nộp thuế.
- Cơ quan thuế cũng khó tiếp cận hỗ trợ, hướng dẫn nhà cung cấp nước ngoài hiểu và chấp hành đúng pháp luật thuế của Việt Nam do các nhà cung cấp nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam.
- Việc xác định được căn cứ tính thuế do một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên một sàn giao dịch TMĐT, và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch TMĐT, cùng lúc trên nhiều trang mạng xã hội.
- Cơ quan thuế hiện cũng đang gặp khó trong việc phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế. Trong nền kinh tế số, rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ hay doanh thu hàng hóa thông thường để làm căn cứ tính thuế, nghĩa vụ khai thuế.
- Hơn nữa, việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng: do có nhiều phương thức thanh toán như: thanh toán bằng tiền mặt, thanh toán qua ngân hàng, thanh toán điện tử, thanh toán ngang hàng (P2P), tiền điện tử…, đồng thời với các phương thức điện tử cũng rất khó trong việc xác định doanh thu phát sinh từ hoạt động bán hàng và giao dịch cá nhân thông thường.
Theo Tổng cục Thuế, hiện, thông tin do sàn TMĐT cung cấp lên Cổng thông tin còn chưa đầy đủ, nhiều sai lệch và bất hợp lý. Việc chia sẻ, kết nối thông tin TMĐT giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan với cơ quan thuế còn hạn chế.
Đặc biệt, việc xử lý vi phạm hành chính về kê khai, đăng ký thuế gặp nhiều khó khăn do khi liên hệ một số cá nhân đã nghỉ kinh doanh, chuyển địa điểm kinh doanh, một số phản ứng thiếu hợp tác, không chấp hành quy định xử lý của cơ quan thuế.
2. Áp dụng Trí tuệ nhận tạo để xử lý dữ liệu lớn
Để khắc phục những khó khăn này, trong năm 2024:
- Tổng cục Thuế sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, Luật thuế và các văn bản dưới Luật có liên quan nhằm tăng cường trách nhiệm trong việc khai thuế, nộp thuế và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế của các chủ thể có liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử như: chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, các đơn vị vận chuyển, ngân hàng, trung gian thanh toán…
- Đồng thời, nghiên cứu xây dựng/thuê ngoài công cụ tự động thu thập dữ liệu của các đối tượng kinh doanh theo hình thức kinh doanh trực tuyến qua các kênh: website kinh doanh của đối tượng kinh doanh, sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok…
- Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về TMĐT từ các nguồn thông tin từ người nộp thuế, thông tin quản lý thuế của cơ quan thuế, thông tin từ kết quả thanh tra, kiểm tra và thông tin từ bên thứ ba (các cơ quan, tổ chức khác); Xây dựng mô hình quản lý rủi ro đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT, theo đó áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu lớn, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp có rủi ro về thuế.
- Cơ quan thuế tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, đặc biệt chú trọng người nộp thuế là cá nhân kinh doanh TMĐT, chủ sở hữu sàn TMĐT, nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định.
- Tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch thường xuyên và theo chuyên đề đối với hoạt động TMĐT, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp là chủ sàn kinh doanh TMĐT, các đơn vị vận chuyển, trung gian thanh toán để nắm bắt thông tin về các cá nhân, tổ chức có kinh doanh TMĐT.
Thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước trong việc chia sẻ, kết nối dữ liệu nhằm nâng cao công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, đặc biệt là tập trung triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ.
XII. Ngành Thuế: Khó khăn càng lớn, nỗ lực càng cao
Năm 2023, tình hình kinh tế xã hội thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động đến hầu hết các quốc gia trên thế giới cầu… Không nằm ngoài sự vòng xoáy đó, kinh tế trong nước cũng gặp nhiều khó khăn khi hoạt động sản xuất kinh doanh sụt giảm; các chuỗi cung ứng bị đứt gãy… ảnh hưởng đến nhiệm vụ thu ngân sách. Trong bối cảnh đó, việc hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước được giao là kết quả từ đường lối lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực vượt khó và đóng góp của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, sự đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo và nỗ lực không ngừng của toàn thể cán bộ công chức thuế trong năm qua.
1. Vượt khó hoàn thành nhiệm vụ thu
Để triển khai hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán NSNN và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và Nghị Quyết số 43/2022/NQ-QH về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình và chỉ đạo của Bộ Tài chính, ngay từ những ngày đầu năm 2023, Tổng cục Thuế đã triển khai 10 nhiệm vụ trọng tâm và 22 nhóm giải pháp đã đề ra tại Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2022.
Đồng thời, ban hành Quyết định số 120/QĐ-TCT ngày 20/02/2023 cụ thể hóa thành 30 nhiệm vụ và 94 giải pháp thực hiện. Chính nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, sự nỗ lực, quyết tâm không ngừng của toàn thể cán bộ công chức, người lao động toàn hệ thống thuế, số thu NSNN năm 2023 đã vượt dự toán được giao. Theo đó, ước số thu NSNN năm 2023 cho ngành Thuế thực hiện đã đạt 1.448.200 tỷ đồng; bằng 105,5% dự toán.
Để đạt được con số này, trong năm 2023, bên cạnh việc thực hiện quyết liệt các giải pháp thu, cơ quan thuế các cấp đã triển khai hiệu quả các chức năng quản lý thuế;
- Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra; Kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng; Tăng cường thu hồi nợ đọng.
Đồng thời, chú trọng công tác hỗ trợ người nộp thuế để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi giúp DN phát triển sản xuất kinh doanh.
Ngành Thuế tiếp tục ứng dụng chuyển đổi số vào công tác quản lý, góp phần tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN.
Cũng trong năm, cơ quan thuế các cấp tiếp tục triển khai có trọng tâm, trọng điểm những vấn đề quản lý của ngành như tăng cường công tác thanh tra kiểm tra thuế đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; tăng cường công tác thanh tra kiểm tra thuế trong lĩnh vực hóa đơn; hoàn thuế giá trị gia tăng; các DN có phát sinh giao dịch liên kết… - Đối với công tác quản lý và thu hồi nợ thuế, ngay từ đầu năm 2023, Tổng cục Thuế cũng đã giao chỉ tiêu thu nợ, xử lý nợ và tiền thuế nợ năm 2023 cho Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thu nợ theo tháng, quý và giao chỉ tiêu thu nợ, gắn trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị với nhiệm vụ thu hồi nợ thuế của đơn vị.
Tuy nhiên, do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, dẫn đến số nợ thuế có xu hướng tăng lên qua các tháng, ảnh hướng đến việc thu hồi nợ thuế. Trong bối cảnh đó, cơ quan thuế các cấp tham mưu cho cấp có thẩm quyền xây dựng và ban hành các chính sách về thuế tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ người nộp thuế duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người nộp thuế được gia hạn nợ thuế, nộp dần tiền thuế, miễn tiền chậm nộp, xóa nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các Nghị định,
Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp quản lý nợ thuế, năm 2023, toàn ngành Thuế thu hồi nợ thuế ước đạt 41.557 tỷ đồng.
2. Tiên phong trong chuyển đổi số
Năm 2023, ngành Thuế đã chủ động áp dụng công nghệ thông tin giúp công tác quản lý thuế ngày càng hoàn thiện theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, được cộng đồng DN và người nộp thuế đánh giá cao. Theo đó, Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh áp dụng phân tích dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ quản lý thuế, quản lý hóa đơn góp phần kiểm soát, phát hiện nhanh người nộp thuế gian lận về hóa đơn.
Cụ thể:
- Ngày 24/04/2023, Tổng cục Thuế đã chính thức đưa vào vận hành, triển khai “Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử”. Để đưa hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử vào triển khai trong thực tế, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn số 1669/TCT-QLRR ngày 10/5/2023 về việc triển khai áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn để tập huấn hướng dẫn các đơn vị thực hiện.
- Việc thực hiện hóa đơn điện tử toàn quốc cũng như đảm bảo hệ thống vận hành ổn định, thông suốt có tác động rất lớn đến chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Kết quả cho thấy việc áp dụng hóa đơn điện tử là “mũi tên trúng nhiều đích”, góp phần thay đổi phương thức điều hành, quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như của người dân, DN theo hướng tích cực, hiện đại, công khai, minh bạch, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và phù hợp xu hướng quốc tế; huy động nguồn thu vào ngân sách đúng đắn, minh bạch.
- Một trong những dấu ấn nổi bật khác của ngành Thuế trong công tác quản lý các nguồn thu chính là việc vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (hoạt động từ ngày 21/3/2022). Với phương thức thu thuế mới này, Việt Nam trở thành 1 trong 4 quốc gia đầu tiên ở khu vực ASEAN khẳng định chủ quyền đánh thuế của quốc gia đối với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới.
- Tính đến ngày 24/11/2023 đã có 74 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Các nhà cung cấp nước ngoài trên đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như: Hoa Kỳ, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Ireland, Lithuania, Thụy Sĩ, Australia, Anh… Trong đó, các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, có hoạt động kinh doanh trên toàn cầu như: Google, Meta, Microsoft, Tiktok… cũng đều đã đăng ký và kê khai, nộp thuế hàng triệu USD. Lũy kế 11 tháng năm 2023, tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp là 8.020 tỷ đồng, trong đó 6.820 tỷ đồng khai – nộp trực tiếp qua cổng Thông tin điện tử và 1.200 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ, nộp thay.
- Cổng thông tin thương mại điện tử cũng được Tổng cục Thuế chính thức vận hành ngày 15/12/2022 để tiếp nhận thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn từ các sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định tại Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022. Đến nay, sau 4 kỳ cung cấp thông tin, Cổng thông tin thương mại điện tử đã ghi nhận 357 sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc cung cấp thông tin. Theo thông tin sàn thương mại điện tử cung cấp thì số lượng tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh trên sàn là hơn 191 nghìn với tổng giá trị giao dịch là gần 59 nghìn tỷ đồng.
3. Nỗ lực vượt qua thách thức của năm 2024
Năm 2024, tình hình thế giới dự báo còn nhiều bất ổn, chiến tranh, xung đột giữa các quốc gia tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể kéo dài; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư tiếp tục xu hướng chậm lại. Trong nước, nền kinh tế có những thuận lợi cơ bản, song tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế bên trong. Đặc biệt, năm 2024 Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội ban hành một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường tốt cho DN phát triển. Điều này sẽ tạo áp lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách đối với ngành Thuế trong năm 2024.
Tuy nhiên, phát huy những kết quả đạt được năm 2023, ngành Thuế sẽ tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, triển khai quyết liệt, đồng bộ mọi giải pháp quản lý thu, thu hồi nợ thuế, chống thất thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2024 được Quốc hội giao.
- Ngành Thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp, chính sách về thuế thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Đồng thời, tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp về gia hạn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất đã được ban hành, nhằm hỗ trợ người nộp thuế nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2023- 2025; Thực hiện tốt chương trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về quản lý thuế và chính sách thuế, mở rộng cơ sở thuế; kịp thời triển khai áp dụng các văn bản, chính sách pháp luật vào cuộc sống, đảm bảo minh bạch, công bằng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý thuế.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hệ thống thuế đã đề ra tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Toàn Ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh điện tử hóa, số hóa công tác quản lý thuế; Tăng cường các biện pháp phòng chống gian lận hóa đơn điện tử; quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; thúc đẩy cung cấp dịch vụ thuế điện tử; Phát triển ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.
- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ người dân và DN và thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiết kiệm chống lãng phí, tiêu cực. Xây dựng kế hoạch hành động thường xuyên nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức cách mạng, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thu thuế phải thu được lòng dân”.
Bạn đang cần tư vấn thiết kế website bán hàng chuyên nghiệp , tham khảo dịch vụ của NKS nhé
NKS - Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ Tri Thức Mới
20 năm tư vấn và cung cấp giải pháp xây dựng thương hiệu toàn diện trên Internet
222 Lê Văn Sỹ, Phường 14, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Email: system@nks.vn
Website: https://nks.com.vn
Hotline: 0932030958