Bản tin Thuế tháng 1/2024

Mục lục

I. Thông báo thời hạn nộp tờ khai thuế trong kỳ kê khai Tháng 12/2023, kỳ kê khai Quý IV/2023 và Lệ phí môn bài Năm 2024

NKS xin thông báo hạn nộp hồ sơ khai thuế trong kỳ kê khai Tháng 12/2023, kỳ kê khai Quý IV/2023 và Lệ phí môn bài Năm 2024 như sau:

  • Hồ sơ khai thuế của kỳ kê khai Tháng 12/2023: Do ngày cuối của kỳ kê khai Tháng 12/2023 trùng với Thứ Bảy nên theo Quy định tại Điều 86 Thông tư số 80/2020/TT-BTC “Trường hợp thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế trùng với ngày nghỉ theo quy định thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế được tính là ngày làm việc tiếp theo của ngày nghỉ đó theo quy định tại Bộ Luật dân sự”, như vậy thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ kê khai thuế Tháng 12/2023 là Thứ Hai ngày 22/01/2024.
  • Hồ sơ khai thuế của kỳ kê khai Quý IV/2023: Hạn nộp cuối vào Thứ Tư ngày 31/01/2024.
  • Hồ sơ khai Lệ phí môn bài Năm 2024: Hạn nộp cuối vào Thứ Ba ngày 30/01/2024.

NKS lưu ý Quý Khách hàng nên kê khai, nộp tờ khai sớm trước thời gian hết hạn ít nhất từ 1 đến 2 ngày để tránh việc quá tải, không gửi được tờ khai.

II. 10 Sự kiện nổi bật năm 2023 của ngành Thuế Việt Nam

Năm 2023, được Đảng, Quốc hội, Chính phủ xác định là năm bản lề thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội của giai đoạn 2021-2025; đòi hỏi các cấp các ngành tập trung cao độ để thực hiện các nhiệm vụ đề ra. Với quyết tâm hoàn thành mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2023 theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ, Tổng cục Thuế đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp. Nhờ sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị; sự chủ động của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trong việc tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành những quyết sách đúng đắn trong việc hỗ trợ mạnh cho sản xuất kinh doanh, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, công tác thuế năm 2023 đã đạt được những kết quả quan trọng.

Hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023

Đối với công tác thu ngân sách, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, ngành Thuế đã nỗ lực vượt khó, chủ động và linh hoạt triển khai các nhóm giải pháp trọng tâm để vừa góp phần ‘nuôi dưỡng nguồn thu’, vừa quyết tâm thực hiện hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) được giao.

Kết quả tổng thu ngân sách năm 2023 do cơ quan thuế quản lý đến thời điểm ngày 20/12/2023 đạt 1.396.430 tỷ đồng, đạt 101,7% dự toán. Theo đó tổng số thu năm 2023 ước đạt và vượt mức chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao khoảng 5,5% dự toán, bằng 95,4% so với thực hiện năm 2022.

Với kết quả này, ngành Thuế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, góp phần quan trọng vào đảm bảo cân đối lớn về tài chính – ngân sách của Nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội của đất nước.

Triển khai chính sách thuế hỗ trợ kịp thời cộng đồng DN và người dân

Chủ động đề xuất tham mưu ban hành và triển khai các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất để kịp thời hỗ trợ người dân và DN. Theo đó, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ về thuế năm 2023 là 165.026 tỷ đồng, trong đó: số tiền thuế, tiền thuê đất thuộc diện được gia hạn là 106.946 tỷ đồng; số tiền thuế, tiền thuê đất được miễn, giảm là 58.080 tỷ đồng. giá các gói miễn, giảm, gia hạn

Xác định đây là các giải pháp cấp bách và căn cơ để hỗ trợ cộng đồng DN, người dân vượt qua khó khăn phục hồi sản xuất kinh doanh, ngành Thuế đã khẩn trương tổ chức thực hiện, từ đó hỗ trợ kịp thời khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh đem lại lợi ích cho cộng đồng DN, người dân và có đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.

Đẩy nhanh tiến trình triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế

Thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 508/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025.

Để đảm bảo xuyên suốt, thống nhất và tuân thủ theo định hướng mục tiêu đã đề ra, Tổng cục Thuế thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 tại Tổng cục Thuế và tại các Cục Thuế để tăng cường công tác tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chỉ đạo triển khai thực hiện công tác cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Ngành Thuế tiên phong trong công tác chuyển đổi số

Năm 2023 đánh dấu bước tiến dài trong tiến trình chuyển đổi số công tác quản lý thuế, như: Triển khai Bản đồ số hộ kinh doanh; Vận hành hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử (HĐĐT) dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng cường quản lý thuế, quản lý hóa đơn, kiểm soát chặt chẽ, phòng, chống gian lận trong hoàn thuế, phát hiện nhanh các trường hợp gian lận; Triển khai số hóa công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số và triển khai mở rộng chương trình HĐĐT từ máy tính tiền, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Tiếp nối 2 năm liên tiếp (2021-2022) Tổng cục Thuế được Bộ Thông tin và Truyền thông tôn vinh là đơn vị dẫn đầu trong chuyển đổi số. Năm 2023, Tổng cục Thuế tiếp tục được Bộ Thông tin và Truyền thông tôn vinh “Dịch vụ khai thuế giá trị gia tăng đối với phương pháp khấu trừ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh” là một trong 4 dịch vụ công trực tuyến xuất sắc đáp ứng tốt nhất các tiêu chí “toàn trình” và “toàn dân”.

Đặc biệt, với việc lựa chọn 19 ứng dụng do các Cục Thuế tự nghiên cứu xây dựng phát triển, ngành Thuế đã cho thấy công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý là bước cụ thể hóa mục tiêu chuyển đổi số toàn diện của Bộ Tài chính và của Chính phủ.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu

Ngày 29/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Nghị quyết số 107/2023/QH15 của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu).

Theo đó, Việt Nam sẽ áp dụng 2 quy định: Quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu IIR áp dụng đối với các Tập đoàn của Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài và Quy định thuế tối thiểu bổ sung nội địa đạt chuẩn QDMTT áp dụng đối với các Tập đoàn đa quốc gia có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Đồng hành và tôn vinh NNT nỗ lực vượt khó và có đóng góp lớn vào NSNN

Thực hiện phương châm “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”, toàn ngành Thuế đã phát triển thêm các phương thức tuyên truyền, hỗ trợ dựa trên nền tảng số để mở rộng diện tiếp cận với người nộp thuế. Đặc biệt, trước những diễn biến khó khăn kéo dài của nền kinh tế, ngành Thuế cả nước đã kịp thời tôn vinh, biểu dương hàng ngàn DN, doanh nhân nỗ lực vượt khó chấp hành tốt pháp luật thuế và có đóng góp lớn cho NSNN.

Cùng với việc công bố danh sách xếp hạng 1.000 DN nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam, Tổng cục Thuế đã tổ chức Hội nghị biểu dương người nộp thuế tiêu biểu có đóng góp lớn vào NSNN giai đoạn 2020-2022. Việc biểu dương kịp thời các DN, doanh nhân, không chỉ thể hiện sự trân trọng của cơ quan thuế đối với đóng góp của cộng đồng DN với sự nghiệp thu ngân sách, mà còn tạo sự lan tỏa, dẫn dắt những người nộp thuế khác nỗ lực vươn lên, chấp hành tốt chính sách pháp luật thuế.

Số thu ngân sách tăng mạnh trong lĩnh vực thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số

Ngành Thuế tiếp tục đạt được nhiều kết quả trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) và các nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN).

Thống kê đến nay, đã có 74 NCCNN đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN. Tổng số thuế các NCCNN đã nộp là 8.096 tỷ đồng, trong đó đã có 6.896 tỷ đồng khai, nộp trực tiếp qua qua Cổng TTĐT và 1.200 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ nộp thay.

Đối với Cổng thông tin TMĐT, tính đến cuối năm 2023, đã ghi nhận 357 sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin. Số thuế kê khai của các DN và cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT trong năm 2023 đã tăng so với cùng kỳ năm 2022. Trong năm 2023, số thu từ TMĐT đối với các tổ chức, cá nhân trong nước đạt 536,5 tỷ đồng. Đồng thời, cơ quan thuế đã tiến hành truy thu, xử lý vi phạm đối với 179 DN và 1.061 cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT, với số tiền khoảng 275 tỷ đồng. Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý thuế, năm 2024, Tổng cục Thuế tiếp tục hướng dẫn thống nhất việc tiếp nhận và xử lý thông tin từ các sàn giao dịch TMĐT trong nước.

Khai thác hiệu quả Hệ thống HĐĐT chống mua bán hóa đơn, áp dụng quản lý rủi ro nâng cao hiệu quả chống thất thu NSNN

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý chống thất thu NSNN, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 18/QĐ-TCT ngày 12/01/2023 về Quy trình áp dụng quản lý rủi ro (QLRR) trong quản lý thuế; Quyết định số 86/QĐ-TCT ngày 08/02/2023 về Quy trình thu thập, khai thác thông tin phục vụ QLRR; Quyết định số 575/QĐ-TCT ngày 10/05/2023 về Quy trình áp dụng QLRR đánh giá, xác định NNT có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn.

Với việc ban hành đồng bộ các cơ chế quản lý rủi ro, nâng cao hiệu quả chống thất thu NSNN, Tổng cục Thuế đã tiến một bước dài trong công tác quản lý rủi ro đối với tổ chức, DN và hộ gia đình, cá nhân kinh doanh.

Cải cách thủ tục hành chính và triển khai ứng dụng quản lý dữ liệu tập trung về công tác cán bộ trong toàn ngành Thuế

Ngành Thuế đẩy mạnh triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) toàn diện, hiệu quả, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, công bằng, minh bạch cho cộng đồng DN.

Đến nay, số TTHC tiếp tục được cắt giảm từ 304 xuống còn 235 thủ tục và được cập nhật công khai lên Cổng dịch vụ công Quốc gia và trên các Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan thuế.

Triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đối số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh công tác phối hợp với Bộ Công an triển khai chuẩn hóa thông tin mã số thuế cá nhân và cơ sở dữ liệu dân cư để thống nhất sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế.

Để thống nhất công tác quản lý dữ liệu tập trung về công tác cán bộ trong toàn ngành, Tổng cục Thuế triển khai ứng dụng số hóa hồ sơ để thuận lợi trong quản lý và thống nhất cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành tổ chức bộ máy, biên chế, đào tạo, luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành.

Việt Nam là thành viên thứ 147 Hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế

Ngày 22/03/2023 tại Paris, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã tổ chức lễ ký Hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế (MAAC) với Việt Nam. MAAC được OECD và Hội đồng châu Âu (EC) cùng phát triển vào năm 1988 và được sửa đổi bởi Nghị định thư năm 2010 để mở rộng cho các nước không phải thành viên OECD, Liên minh châu Âu (EU) được tham gia ký MAAC.

Đây là một khuôn khổ pháp lý quốc tế đa phương toàn diện nhất hiện nay, quy định bao quát các hình thức hợp tác quốc tế về hành chính thuế để giải quyết tình trạng trốn thuế, tránh thuế và các hình thức không tuân thủ khác, từ đó tăng cường hợp tác quốc tế trong trao đổi thông tin thuế. Đồng thời, giúp gia tăng nhanh chóng mạng lưới trao đổi thông tin thuế với các bên tham gia MAAC.

III. Cơ quan thuế cần tiếp tục quyết liệt triển khai HĐĐT trong kinh doanh xăng, dầu

Ngày 01/12/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1284/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu; thời gian hoàn thành trong tháng 12/2023.

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 13348/BTC-TCT ngày 04/12/2023 đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Tài chính trong công tác triển khai HĐĐT đối với lĩnh vực kinh doanh bán lẻ xăng dầu.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Công điện số 1284/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 13348/BTC-TCT của Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, khẩn trương thực hiện ngay các nhiệm vụ sau:

Một là, đối với các địa phương chưa có văn bản chỉ đạo của UBND thì Cục Thuế có trách nhiệm tham mưu UBND chỉ đạo các sở, ban ngành chủ động phối hợp với cơ quan thuế triển khai ngay các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt yêu cầu các đơn vị kinh doanh bán lẻ xăng dầu phát hành HĐĐT sau từng lần bán hàng theo quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính.

Hai là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành tại địa phương tổ chức rà soát, nắm bắt thực trạng hạ tầng, thiết bị, tiến độ triển khai HĐĐT theo từng lần bán hàng tại từng cửa hàng kinh doanh xăng dầu; tổ chức ngay các buổi làm việc với đơn vị kinh doanh bán lẻ xăng dầu, thông báo mời công khai các công ty cung cấp giải pháp để chia sẻ kinh nghiệm đã triển khai thành công và thảo luận giải pháp hiệu quả; tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, thành phố kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc (nếu có) để thực hiện thành công việc phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1284/CĐ-TTg nêu trên.

Ba là, quyết liệt triển khai nhiệm vụ đến các đồng chí lãnh đạo Cục Thuế, lãnh đạo Phòng, Chi cục Thuế và cụ thể đến công chức quản lý đơn vị để làm việc, tuyên truyền chủ trương, chính sách quy định pháp luật về HĐĐT tới từng doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu để các đơn vị hiểu rõ, nhận thức đầy đủ trách nhiệm và cam kết thực hiện được phát hành HĐĐT sau từng lần bán hàng theo quy định. Gắn trách nhiệm với việc thực hiện kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với các đơn vị không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện.

Bốn là, Cục Thuế báo cáo cụ thể việc triển khai các nội dung, nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tại công văn số 13348/BTC-TCT, công văn số 5080/TCT-DNL, công văn số 5468/TCT-DNL và gửi kết quả thực hiện hàng ngày về Tổng cục Thuế vào địa chỉ email: nttbinh01@gdt.gov.vn.

IV. Tăng cường hợp tác quốc tế về thanh tra kiểm tra thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 107/2023/QH15 của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024, áp dụng từ năm tài chính 2024.

Nghị quyết số 107/2023/QH15 quyết nghị, đơn vị hợp thành của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao ít nhất 02 năm trong 04 năm liền kề trước năm tài chính tương đương 750 triệu euro (EUR) trở lên, trừ các trường hợp sau đây: Tổ chức của chính phủ; Tổ chức quốc tế; Tổ chức phi lợi nhuận; Quỹ hưu trí; Quỹ đầu tư là công ty mẹ tối cao; Tổ chức đầu tư bất động sản là công ty mẹ tối cao; Tổ chức có ít nhất 85% giá trị tài sản thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức quy định từ điểm a đến điểm e khoản này.

Quy định về thuế TNDN bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn

Đối với quy định về thuế TNDN bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT), Nghị quyết quyết nghị, đơn vị hợp thành hoặc tập hợp các đơn vị hợp thành của tập đoàn đa quốc gia theo quy định tại Điều 2 của Nghị quyết này có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam trong năm tài chính phải áp dụng quy định về thuế TNDN bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn.

Trường hợp đơn vị hợp thành hoặc tập hợp các đơn vị hợp thành tại Việt Nam có thu nhập theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu và thuế suất thực tế tại Việt Nam dưới mức thuế suất tối thiểu thì thuế TNDN bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn tại Việt Nam được xác định theo quy định tại khoản 2 và khoản 9 Điều này.

Số thuế TNDN bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn được xác định theo công thức sau đây: Số thuế TNDN bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn = (Tỷ lệ thuế bổ sung x Lợi nhuận tính thuế bổ sung) + Số thuế bổ sung được điều chỉnh cho năm hiện hành (nếu có).

Thuế suất thực tế tại Việt Nam được tính cho mỗi năm tài chính và được xác định theo công thức sau đây: Thuế suất thực tế tại Việt Nam = Tổng số thuế TNDN tại Việt Nam thuộc phạm vi áp dụng đã được điều chỉnh trong năm tài chính của các đơn vị hợp thành tại Việt Nam/Thu nhập ròng tại Việt Nam trong năm tài chính theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu

Quy định về kê khai, nộp thuế và quản lý thuế

Đối với quy định về thuế TNDN bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn, thời hạn nộp Tờ khai thông tin theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, Tờ khai thuế TNDN bổ sung kèm theo Bản thuyết minh giải trình chênh lệch do khác biệt giữa các chuẩn mực kế toán tài chính và thời hạn nộp thuế TNDN bổ sung chậm nhất là 12 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính.

Đối với quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu, thời hạn nộp Tờ khai thông tin theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, Tờ khai thuế TNDN bổ sung kèm theo Bản thuyết minh giải trình chênh lệch do khác biệt giữa các chuẩn mực kế toán tài chính và thời hạn nộp thuế TNDN bổ sung chậm nhất là 18 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính đối với năm đầu tiên tập đoàn đa quốc gia thuộc đối tượng áp dụng; thời hạn chậm nhất là 15 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính đối với các năm tiếp theo.

Trong giai đoạn chuyển tiếp, không xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với hành vi vi phạm về khai và nộp Tờ khai thông tin theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu và Tờ khai thuế TNDN bổ sung kèm theo Bản thuyết minh giải trình chênh lệch do khác biệt giữa các chuẩn mực kế toán tài chính.

Nghị quyết cũng nêu rõ, trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng quy định của Nghị quyết này. Trường hợp sau ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, Diễn đàn hợp tác chung về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận toàn cầu có hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu thì Chính phủ quy định nội dung cụ thể để thực hiện; trường hợp có nội dung trái với quy định của Nghị quyết này thì báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định; trường hợp cấp bách trong thời gian Quốc hội không họp thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

V. Bộ Tài chính luôn sẵn sàng đối thoại để có những giải pháp về chính sách thuế, hải quan

Sáng ngày 15/12/2023, Bộ Tài chính đã phối hợp với VCCI tổ chức Hội nghị đối thoại với DN về chính sách và TTHC thuế, hải quan 2023.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho biết:

Chương trình đối thoại năm nay được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hội nghị đối thoại với cộng đồng DN được Bộ Tài chính tổ chức thường niên nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình vận hành các cơ chế quản lý Nhà nước về chính sách thuế, hải quan hoặc phát sinh từ thực tiễn kinh doanh của DN. “Hội nghị cũng là cơ hội để củng cố quan hệ giữa cơ quan thuế, hải quan với cộng đồng DN trong chia sẻ thông tin, cùng nhau thảo luận các cơ chế hợp tác phù hợp, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của cả cơ quan quản lý và cộng đồng DN.” – Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch VCCI, trong quá trình chuẩn bị hội nghị, VCCI đã có văn bản gửi lấy ý kiến, kiến nghị của các DN và các Hiệp hội DN. Các ý kiến, câu hỏi về quy trình cụ thể VCCI đã chuyển sang Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để xem xét trả lời trong tài liệu hội nghị và sẽ tiếp tục thông tin tiếp cho DN trong thời gian tới đối với các nội dung cần rà soát, xem xét thêm để trả lời DN.

Phó Chủ tịch VCCI lưu ý, do khuôn khổ thời gian của hội nghị, vì vậy sẽ có những vấn đề liên quan đến cộng đồng DN liên quan đến lĩnh vực thuế và lĩnh vực hải quan sẽ không thể trả lời trực tiếp tại hội nghị, VCCI đề nghị các DN gửi lại nội dung trao đổi để VCCI tổng hợp gửi Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan để có trả lời thấu đáo đến DN.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn chia sẻ:

Trong năm 2023 tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động nhanh, phức tạp, trong đó cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Cũng trong giai đoạn này, môi trường sản xuất kinh doanh trong nước do hệ lụy kéo dài từ những tác động của dịch Covid-19 dẫn đến khả năng cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Một điểm đáng lưu ý, đó là trong khi các ngành kinh tế lớn đầu tư chủ yếu của Việt Nam phục hồi chậm, nhu cầu tiêu dùng còn yếu, gặp hàng rào bảo hộ, gây ảnh hướng đến nhiều ngành, lĩnh vực, tác động tiêu cực tới sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Nắm bắt và dự báo trước tình hình trên, ngay từ đầu năm 2023, Bộ Tài chính với tinh thần luôn sẵn sàng đồng hành cùng DN và người dân vượt khó để phục hồi và đẩy mạnh phát triển nền kinh tế. Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền 60 văn bản quy phạm pháp luật (trong đó có: 11 Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH; 19 Nghị định của Chính phủ; 04 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 26 Thông tư của Bộ Tài chính). Tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, trong thời gian qua nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã và đang tiếp tục được triển khai trong thực tế. Đặc biệt, các chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT áp dụng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất 10%, giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu và giảm thuế BVMT đối với mặt hàng xăng, dầu nêu trên đã có “tác dụng kép”, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện sức ép lạm phát, chi phí tăng cao.

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, mặc dù các chính sách hỗ trợ trên đã tạo áp lực lên nhiệm vụ thu ngân sách do ngành Thuế quản lý, nhưng toàn ngành xác định đây vừa là giải pháp cần thiết thể hiện tính nhân văn, vừa thực hiện chiến lược nuôi dưỡng nguồn thu cho NSNN. Bộ Tài chính đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt toàn ngành khẩn trương tổ chức thực hiện để từ đó hỗ trợ kịp thời cho cộng đồng DN và người dân có thêm nguồn lực vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần đẩy nhanh tốc độ phục hồi nền kinh tế và đóng góp ngược trở lại vào NSNN.

Tại hội nghị, dưới sự chủ trì điều hành của Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, đã có 38 DN gửi phiếu hỏi, với tổng 69 nội dung hỏi về các vướng mắc của DN liên quan đến lĩnh vực thuế và hải quan đã được Lãnh đạo Bộ Tài chính chỉ đạo lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan trực tiếp trả lời tại hội nghị. Đối với một số nội dung có liên quan đến lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành khác hoặc có liên quan đến các điều ước quốc tế trong hoạt động thương mại quốc tế, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn khẳng định, Bộ Tài chính ghi nhận và sẽ chỉ đạo các đơn vị chủ trì tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phối hợp trả lời vướng mắc của DN.

Ngoài những câu hỏi, những vấn đề đã được đề cập nêu tại hội nghị, Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, nếu DN còn có vấn đề chưa được rõ các DN có thể trực tiếp hoặc thông qua Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hoặc từ các Hiệp hội DN tập hợp và gửi đến Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để được giải đáp kịp thời.

VI. Rà soát Quy trình quản lý HĐĐT đáp ứng tình hình thực tế

Sáng ngày 14/12/2023, dưới sự chủ trì của Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn, Tổng cục Thuế tổ chức cuộc họp để trao đổi, thảo luận một số nội dung về HĐĐT. Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của đại diện các đơn vị chức năng thuộc Tổng cục Thuế và điểm cầu tại các Cục Thuế: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải phòng, Bình Định và Đà Nẵng.

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh cá nhân (DNNCN) cho biết, để triển khai các quy định về HĐĐT kể từ ngày 01/07/2022, Tổng cục Thuế đã ban hành Quy trình quản lý HĐĐT ban hành kèm theo Quyết định số 1447/QĐ-TCT ngày 05/10/2021 (Quy trình 1447). Thực tiễn cho thấy, sau một thời gian triển khai đã phát sinh nhiều trường hợp gian lận trong việc sử dụng HĐĐT đòi hỏi phải có những giải pháp để ngăn chặn. Ngoài các nội dung đề xuất sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP trong thời gian tới, cần thiết phải rà soát sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quy trình 1447 nhằm hạn chế tối đa việc lợi dụng gian lận HĐĐT trên cơ sở các quy định hiện hành, đáp ứng tình hình thực tế phát sinh.

Theo đó, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu để Quy trình sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quy trình 1447 được sửa đổi, bổ sung theo nguyên tắc như sau:

Thứ nhất, trong khi chưa sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì các nội dung tại Quy trình vẫn phải đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành.

Thứ hai, Quy trình HĐĐT phải có sự xác định rõ phạm vi công việc tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các Quy trình khác liên quan đến quản lý HĐĐT như Quy trình áp dụng quản lý rủi ro đánh giá, xác định NNT có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn ban hành kèm theo Quyết định số 575/QĐ-TCT ngày 10/05/2023 của Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế và Quy trình kiểm tra hóa đơn ban hành kèm theo Quyết định số 1403/QĐ-TCT ngày 28/07/2015 của Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế.

Thứ ba, Khai thác tối đa các thông tin hiện có trên cơ sử dữ liệu HĐĐT và các dữ liệu từ các phân hệ quản lý thuế khác (TMS, TTR, TPR, Etax…) để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các trường hợp không đáp ứng điều kiện về sử dụng HĐĐT, góp phần hạn chế tối đa việc gian lận trong sử dụng HĐĐT.

Thứ tư, Quy định tối đa các bước trong quy trình quản lý HĐĐT, chứng từ điện tử phải được hỗ trợ tự động từ Hệ thống quản lý HĐĐT, chứng từ điện tử, hạn chế tối đa thực hiện công việc trực tiếp từ cán bộ thuế đến cơ quan thuế theo hình thức thủ công.

Kết luận cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn nhận định, thực hiện quy định về việc quản lý, sử dụng HĐĐT từ ngày 01/07/2022, thời gian qua cơ quan thuế đã tích cực xây dựng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ hệ thống HĐĐT trên phạm vi cả nước, góp phần phục vụ ngày càng tốt hơn hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và người dân, đẩy nhanh tiến tình chuyển đổi số, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, qua đó góp phần vào triển khai thành công chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng lợi dụng, gian lận HĐĐT nhằm trục lợi, vi phạm pháp luật. Nhằm đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng HĐĐT, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, DN. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn đề nghị đơn vị chủ trì tiếp thu, giải trình chi tiết ý kiến góp ý của các Cục Thuế đảm bảo quy trình sau khi được ban hành sẽ vận hành có hiệu lực, hiệu quả.

VII. Hóa đơn điện tử: Giải pháp hữu ích cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu

Xuất hóa đơn sau mỗi lần bán và lưu trữ

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo Công điện số 1284/CĐ-TTg ngày 01/12/2023 và Chỉ thị số 04/CT-BTC ngày 24/11/2023 của Bộ Tài chính về tăng cường công tác quản lý, sử dụng HĐĐT (HĐĐT) đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh mới đây đã thông tin đến các DN kinh doanh bán lẻ xăng dầu phải lập HĐĐT sau mỗi lần bán hàng.

“Để đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật về hóa đơn, chứng từ, các DN kinh doanh xăng dầu cần nhanh chóng triển khai đến các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc việc phải thực hiện lập hoá đơn khi kết thúc việc bán theo từng lần bán cho khách hàng là cá nhân. Đồng thời người bán phải lưu trữ đầy đủ HĐĐT đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu…’’ – thông báo từ Cục Thuế TP Hồ Chí Minh nêu rõ.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh:

HĐĐT bán xăng dầu cho cá nhân không nhất thiết phải có các chỉ tiêu tên hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký điện tử của người mua; chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng theo quy định tại điểm c khoản 14 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Trong trường hợp HĐĐT được lập không có ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn có sai sót thì người bán chỉ thực hiện điều chỉnh mà không thực hiện hủy hoặc thay thế theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 7 Thông tư số 78/2021/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Có lợi với cả cơ quan thuế và DN

Ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết:

Nếu DN kinh doanh xăng dầu thực hiện kết nối HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền với cơ quan thuế thì việc xuất HĐĐT khá thuận tiện, bởi có thể tổng hợp dữ liệu tất cả các hóa đơn bán xăng dầu trong ngày theo từng mặt hàng để thể hiện trên bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT và chuyển bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT này ngay trong ngày theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Thực tế cho thấy, đây cũng chính là giải pháp tối ưu đối với DN kinh doanh xăng dầu trong việc thực hiện quy định xuất hóa đơn sau mỗi lần bán, bởi đặc điểm của bán lẻ xăng dầu là hoạt động kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng, có thời gian hoạt động thường xuyên, liên tục, giá trị từng hóa đơn không nhiều, nhưng số lượng hóa đơn rất lớn, nên việc áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả DN lẫn người tiêu dùng.
DN có thể xuất HĐĐT ngay cho khách hàng kể cả ngoài giờ hay đêm khuya do hóa đơn in ra từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế chính là HĐĐT có mã của cơ quan thuế theo quy định; đồng thời có thể chủ động hơn trong việc điều chỉnh sai sót do HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền được gửi vào cuối ngày không phải gửi từng hóa đơn như loại hóa đơn có mã thông thường. Kế nữa, DN cũng có thể thiết lập nhiều máy tính tiền theo quy định tại một điểm bán hàng để xuất HĐĐT cho khách hàng nhanh và thuận lợi. ‘‘Ngoài ra, việc kết nối này cũng đáp ứng được ngay yêu cầu của những khách hàng cần hóa đơn để tham dự thưởng do thông tin trên HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền có thêm trường thông tin về CMND/CCCD trong trường hợp người mua hàng chưa có mã số thuế hoặc không nhớ mã số thuế…’’ – Phó Cục trưởng Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.

DN xăng dầu cần nâng cấp hạ tầng công nghệ để không bị xử phạt

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết:

“Để đôn đốc triển khai HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, trước đây Tổng cục Thuế đã có Công văn số 2122/TCT-CS ngày 20/06/2022 gửi đến Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam về việc triển khai thực hiện xuất hóa đơn sau mỗi lần bán hàng. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, hiện nay, hệ thống cửa hàng xăng dầu của một số đơn vị trên địa bàn đã triển khai thực hiện xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng. Theo đó Cục Thuế sẽ phối hợp với hợp cơ quan Công an và các cơ quan liên quan khác tăng cường thanh tra, kiểm tra việc lập HĐĐT tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, bảo đảm đúng quy định pháp luật, xử lý nghiêm theo pháp luật nếu không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện.
Do vậy, DN kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Thành phố khẩn trương hoàn thiện nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ liên quan, liên hệ các nhà cung cấp giải pháp HĐĐT để triển khai thực hiện, nếu không muốn bị xử phạt.
Trong thời gian tới, Cục Thuế sẽ tổ chức các buổi hội thảo triển khai HĐĐT đối với các đơn vị kinh doanh, bán lẻ xăng dầu nhằm hỗ trợ công tác triển khai hệ thống công nghệ thông tin, các giải pháp để thực hiện, giải đáp vướng mắc về việc triển khai lập HĐĐT theo từng lần bán hàng đến DN.”

VIII. Xử lý triệt để vướng mắc trong công tác hoàn thuế trong tháng cuối năm 2023

Ngày 06/12/2023 Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng. Tham dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục Thuế; lãnh đạo Cục Thuế tỉnh, thành phố và các Chi cục thuế thuộc Cục Thuế TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn nhận định:

Năm 2023 là năm mà công tác quản lý hoàn thuế GTGT của ngành Thuế nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước; các Hiệp hội, cộng đồng DN và các cơ quan thông tấn, báo chí.

Theo Phó Tổng cục trưởng, để đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế tại các địa phương, Tổng cục Thuế đã ban hành các văn bản chỉ đạo và cùng sự nỗ lực của Cục Thuế các tỉnh, thành phố trong triển khai thực hiện, kết quả thực hiện đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Lũy kế 11 tháng của năm 2023, toàn ngành đã triển khai hoàn thuế GTGT đạt 128.488 tỷ đồng, bằng 94% cùng kỳ năm 2022.

Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được trong quản lý rủi ro, xử lý hồ sơ hoàn thuế đảm bảo công tác hoàn thuế chặt chẽ, kịp thời, đúng quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, vẫn còn tình trạng chậm, muộn trong công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT, gây ảnh hưởng đến kết quả hoàn thuế GTGT chung của toàn ngành. “Để tiếp tục thực hiện giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT trong tháng cuối năm 2023, đề nghị các đơn vị chức năng của Tổng cục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Cục Thuế trong giải quyết triệt để các vướng mắc trong công tác quản lý hoàn thuế GTGT. Đồng thời, tận dụng tối đa các ứng dụng CNTT về hoàn thuế để tiếp nhận hồ sơ tự động, tạo sự thống nhất trong công tác lựa chọn NNT có dấu hiệu rủi ro để phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT và xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế.” – Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn chỉ đạo.

Kết luận hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn đánh giá cao ý kiến thẳng thắn của các đơn vị tham dự hội nghị. Đối với các vướng mắc vượt thẩm quyền, Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn đề nghị đơn vị chủ trì ghi nhận, nghiên cứu các giải pháp để kịp thời báo cáo cấp cho thẩm quyền hoặc có văn bản chỉ đạo trong công tác quản lý hoàn thuế GTGT. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện ngay các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:

Thứ nhất, đẩy mạnh triển khai thực hiện các chỉ đạo đôn đốc công tác hoàn thuế GTGT của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế tại Công điện số 07/CĐ-TCT ngày 09/08/2023.

Thứ hai, kịp thời báo cáo Tổng cục Thuế các hồ sơ hoàn thuế GTGT đang vướng mắc trước ngày 15/12/2023, trong đó lưu ý các hồ sơ hoàn thuế GTGT kiểm tra trước hoàn có thời gian giải quyết đã quá 40 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ đề nghị hoàn thuế của NNT.

Thứ ba, các Cục Thuế tăng cường trao đổi, tuyên truyền đến Hiệp hội DN, NNT chính sách pháp luật hoàn thuế GTGT, hóa đơn điện tử để nâng cao tính tuân thủ của NNT trong việc khai, hoàn thuế GTGT; phối hợp với cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn để thông tin kịp thời các kết quả, thông tin về kết quả hoàn thuế GTGT.

“Đề nghị các Cục Thuế nâng cao tinh thần trách nhiệm, xử lý dứt điểm công việc, có chế độ báo cáo hàng tuần, hàng ngày theo chỉ đạo của Tổng cục. Trong quá trình giải quyết hồ sơ, nếu có vướng mắc phát sinh, báo cáo ngay về Tổng cục để được tháo gỡ kịp thời.” – Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn nhấn mạnh.

IX. Doanh nghiệp khu phi thuế quan bán hàng vào nội địa được nộp chứng từ thay thế hóa đơn

Thực hiện quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ; quy định tại khoản 3 Điều 86 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 58 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 về hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ, Bộ Tài chính đã hướng dẫn nộp chứng từ thay hóa đơn bán hàng đối với trường hợp doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan bán hàng hóa vào nội địa. Theo đó:

Trường hợp tại thời điểm làm thủ tục xuất khẩu tại chỗ hàng hóa cho doanh nghiệp nội địa, người khai hải quan chưa phát hành được hóa đơn bán hàng do chưa hoàn thành việc chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua thì nộp Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ (bản chụp) thay hóa đơn bán hàng thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan cho cơ quan hải quan.
Khi làm thủ tục nhập khẩu tại chỗ, người khai hải quan thực hiện thủ tục hải quan theo quy định tại khoản 58 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính và nộp hồ sơ hải quan kèm hóa đơn bán hàng trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan” (bản chụp) thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan cho cơ quan hải quan.

X. Sẽ sửa đổi quy trình quản lý để hạn chế tối đa gian lận hóa đơn điện tử

Tại cuộc họp để trao đổi, thảo luận một số nội dung về HĐĐT do Tổng cục Thuế tổ chức ngày 14/12/2023, đại diện Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh cá nhân (DNNCN) cho biết, để triển khai các quy định về HĐĐT kể từ ngày 01/07/2022, Tổng cục Thuế đã ban hành Quy trình quản lý HĐĐT ban hành kèm theo Quyết định số 1447/QĐ-TCT ngày 05/10/2021.

Thực tiễn cho thấy, sau một thời gian triển khai đã phát sinh nhiều trường hợp gian lận trong việc sử dụng HĐĐT đòi hỏi phải có những giải pháp để ngăn chặn. Ngoài các nội dung đề xuất sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP trong thời gian tới, cần thiết phải rà soát sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quyết định số 1447/QĐ-TCT nhằm hạn chế tối đa việc lợi dụng gian lận HĐĐT trên cơ sở các quy định hiện hành, đáp ứng tình hình thực tế phát sinh.

Theo đó, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu để Quy trình sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quyết định số 1447/QĐ-TCT được sửa đổi, bổ sung theo nguyên tắc như sau:

Thứ nhất, trong khi chưa sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì các nội dung tại Quy trình vẫn phải đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành.

Thứ hai, Quy trình HĐĐT phải có sự xác định rõ phạm vi công việc tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các quy trình khác liên quan đến quản lý HĐĐT như Quy trình áp dụng quản lý rủi ro đánh giá, xác định NNT có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn ban hành kèm theo Quyết định số 575/QĐ-TCT ngày 10/05/2023 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Quy trình kiểm tra hóa đơn ban hành kèm theo Quyết định số 1403/QĐ-TCT ngày 28/07/2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

Thứ ba, khai thác tối đa các thông tin hiện có trên cơ sử dữ liệu HĐĐT và các dữ liệu từ các phân hệ quản lý thuế khác (TMS, TTR, TPR, Etax…) để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các trường hợp không đáp ứng điều kiện về sử dụng HĐĐT, góp phần hạn chế tối đa việc gian lận trong sử dụng HĐĐT.

Thứ tư, quy định tối đa các bước trong quy trình quản lý HĐĐT, chứng từ điện tử phải được hỗ trợ tự động từ Hệ thống quản lý HĐĐT chứng từ điện tử, hạn chế tối đa thực hiện công việc trực tiếp từ cán bộ thuế đến cơ quan thuế theo hình thức thủ công.

Kết luận cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn nhận định, thực hiện quy định về việc quản lý, sử dụng HĐĐT từ ngày 01/07/2022, thời gian qua cơ quan thuế đã tích cực xây dựng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ hệ thống HĐĐT trên phạm vi cả nước, góp phần phục vụ ngày càng tốt hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, đẩy nhanh tiến tình chuyển đổi số, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, qua đó góp phần vào triển khai thành công chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng lợi dụng, gian lận HĐĐT nhằm trục lợi, vi phạm pháp luật. Nhằm đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng HĐĐT, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn đề nghị đơn vị chủ trì tiếp thu, giải trình chi tiết ý kiến góp ý của các cục thuế đảm bảo quy trình sau khi được ban hành sẽ vận hành có hiệu lực, hiệu quả.

XI. Từng bước chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân

Tổng cục Thuế đang phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Công an chuyển đổi sang sử dụng mã số định danh cá nhân làm mã số thuế (MST) để không còn tình trạng một cá nhân có nhiều MST.

Với việc chuyển đổi MST người phụ thuộc thành MST người nộp thuế, tại Điều 30 Luật Quản lý thuế quy định: Cá nhân được cấp 1 MST duy nhất để sử dụng trong suốt cuộc đời của cá nhân đó. Người phụ thuộc của cá nhân được cấp MST để giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân. MST cấp cho người phụ thuộc đồng thời là MST của cá nhân khi người phụ thuộc phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Theo quy định nêu trên, khi người phụ thuộc phát sinh nghĩa vụ thuế thì MST người phụ thuộc đồng thời là MST của cá nhân dùng để kê khai, nộp thuế theo quy định; khi người phụ thuộc phát sinh tờ khai thuế thì MST của người phụ thuộc sẽ được cơ quan thuế chuyển thành MST cá nhân mà không yêu cầu người nộp thuế phải làm thủ tục chuyển đổi với cơ quan thuế.

Triển khai rà soát, chuẩn hóa dữ liệu MST cá nhân, thời gian qua, cơ quan thuế phát hiện các trường hợp một cá nhân (một mã số định danh) tương ứng với nhiều MST. Nguyên nhân do trước đây khi thay đổi thông tin cá nhân từ CMND hoặc Giấy khai sinh sang CCCD, người nộp thuế hoặc cơ quan chi trả không thực hiện thủ tục thay đổi thông tin đăng ký thuế mà thực hiện thủ tục đăng ký thuế lần đầu dẫn đến việc người nộp thuế được cấp nhiều MST.

Hiện nay, khi người nộp thuế thực hiện thủ tục đăng ký thuế lần đầu hoặc thay đổi thông tin đăng ký thuế thì các thông tin của người nộp thuế đều được truy vấn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước khi lưu vào cơ sở dữ liệu ngành Thuế nên không còn tình trạng người nộp thuế được cấp nhiều MST như trước đây. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho người nộp thuế trong các trường hợp người nộp thuế trước đây đã được cấp nhiều MST, Tổng cục Thuế đang phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Công an chuyển đổi sang sử dụng mã số định danh cá nhân làm MST. Trường hợp người nộp thuế có nhiều MST tương ứng với cùng một mã số định danh thì sau khi chuyển đổi thì số định danh sẽ hợp nhất nghĩa vụ của cá cá nhân, khi đó sẽ không còn tình trạng một cá nhân có nhiều MST.

Trong giai đoạn rà soát, chuẩn hóa MST cá nhân, người nộp thuế cần cập nhật thông tin chính xác của các MST đang tồn tại và không phải thực hiện thủ tục để đóng, hủy các MST cấp cho các loại giấy tờ khác nhau của cùng một người nộp thuế.

XII. Mạnh tay xử lý cơ sở kinh doanh không xuất hoá đơn cho người mua hàng

Ngành Thuế sẽ phối hợp với các cơ quan ban ngành, địa phương, rà soát, xử lý vi phạm đối với cơ sở kinh doanh không xuất hoá đơn kịp thời cho người mua hàng khi cung cấp hàng hoá, dịch vụ.

Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, theo quy định tại Điều 90 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/06/2019 của Quốc hội thì tất cả tổ chức, cá nhân khi bán hàng hóa, dịch vụ đều phải xuất HĐĐT không phân biệt giá trị từng lần. Cùng với đó, việc sử dụng hóa đơn điện tử được áp dụng từ thời điểm 01/07/2022 và đến nay đã thực hiện thống nhất trên cả nước.

Hiện nay, báo chí phản ánh có tình trạng nhà hàng, quán ăn, khách sạn không xuất hóa đơn, tiềm ẩn nguy cơ thất thu thuế. Để khắc phục hiện tượng người bán hàng không xuất hóa đơn cho khách hàng khi mua hàng hoá, dịch vụ và người mua hàng không lấy hoá đơn khi mua hàng hoá, dịch vụ, trong thời gian qua, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã thực hiện:

Trình các cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ sở pháp lý về việc người bán hàng phải xuất hoá đơn cho khách hàng theo từng giao dịch, bỏ nội dung cho phép xuất hóa đơn tổng cuối ngày trong các lĩnh vực kinh doanh thương mại bán lẻ, dịch vụ ăn uống theo mô hình hệ thống cửa hàng bán trực tiếp đến người tiêu dùng…

Đồng thời, ngành Thuế cũng đẩy mạnh tuyên truyền đến người bán hàng, người mua hàng về quyền lợi và nghĩa vụ của việc xuất hoá đơn khi mua hàng hoá, dịch vụ. Đối với người bán hàng phải có trách nhiệm xuất hoá đơn cho người mua hàng theo từng giao dịch phát sinh. Đối với người mua hàng đây là chứng từ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của hàng hoá, dịch vụ, qua đó tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hiện nay, ngành Thuế đang triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền áp dụng cho các cơ sở kinh doanh thuộc lĩnh vực bán lẻ đến người tiêu dùng (ăn uống, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ khác…). Đây là hình thức hoá đơn điện tử thuận tiện trong việc sử dụng đem lại lợi ích cho cả người bán hàng và người mua hàng. Hình thức hoá đơn này góp phần tối ưu chi phí hoá đơn, dễ dàng quản lý, sử dụng đối với mô hình kinh doanh cần xuất hoá đơn thường xuyên, liên tục…, qua đó góp phần nâng cao khả năng quản lý thuế đối với các mô hình kinh doanh này.

Thời gian tới, ngành Thuế sẽ tiếp tục triển khai Chương trình “Hoá đơn may mắn” với mục tiêu thúc đẩy người tiêu dùng lấy hoá đơn khi mua hàng hoá dịch vụ. Người tiêu dùng có cơ hội trúng thưởng khi lấy hoá đơn, theo đó tạo áp lực lên người bán hàng và yêu cầu xuất hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ. Cùng với đó, ngành Thuế cũng sẽ quyết liệt phối hợp với các cơ quan ban ngành, địa phương, rà soát, xử lý vi phạm đối với cơ sở kinh doanh không xuất hoá đơn kịp thời cho người mua hàng khi cung cấp hàng hoá, dịch vụ đơn theo quy định của pháp luật.

XIII. Cơ quan thuế đã ban hành hơn 17,7 nghìn quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng

Thời gian qua, ngành Thuế đã đẩy mạnh công tác hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), đảm bảo kịp thời, tránh tình trạng chậm muộn hoàn thuế; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế để kiểm soát chặt chẽ, phát hiện kịp thời các hành vi gian lận, trục lợi ngân sách nhà nước.

Tổng cục Thuế đã ban hành quy trình hoàn thuế mới và bộ tiêu chí áp dụng quản lý rủi ro (QLRR) trong phân loại hồ sơ hoàn thuế và lựa chọn doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế.

Đồng thời, xây dựng và triển khai vận hành Ứng dụng phân loại hồ sơ hoàn thuế tự động trong toàn ngành từ ngày 28/10/2023 nhằm tự động hóa trong khâu phân loại hồ sơ hoàn thuế, điện tử hóa các bước giải quyết hồ sơ hoàn thuế từ đó đẩy nhanh giải quyết hồ sơ cũng như kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa rủi ro trong công tác quản lý hoàn thuế.

Để đẩy mạnh hơn nữa công tác giải quyết hoàn thuế GTGT, Tổng cục Thuế đã thành lập Đoàn công tác về hoàn thuế trực tiếp làm việc với các cục thuế có lượng hồ sơ và số thuế đề nghị hoàn tồn lớn để nắm bắt vướng mắc về chính sách thuế GTGT, chính sách quản lý thuế từ cơ quan thuế các cấp, các hiệp hội, doanh nghiệp, từ đó có giải pháp chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tiễn, đồng thời, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung, sửa đổi các chính sách có liên quan để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý hoàn thuế GTGT.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế đã xây dựng giáo trình giảng dạy và đào tạo chuyên đề thanh tra, kiểm tra chuyên sâu về công tác hoàn thuế GTGT cho các công chức thuế làm công tác thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận, trục lợi ngân sách nhà nước.
Với việc thực hiện quyết liệt, khẩn trương của cơ quan thuế các cấp, công tác quản lý hoàn thuế GTGT đã có chuyển biến tích cực. Cụ thể:

Trong năm 2023 (đến ngày 17/12/2023), cơ quan thuế đã ban hành 17.751 quyết định hoàn thuế GTGT với tổng số tiền thuế hoàn là 135.875 tỷ đồng, bằng 84,9% ước thực hiện Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2022.

Đồng thời đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với 7.275 quyết định hoàn, tương ứng với tổng số tiền hoàn là 45.757 tỷ đồng. Tổng số thuế truy hoàn và phạt là 324 tỷ đồng (trong đó: số thuế truy hoàn là 247 tỷ đồng, phạt là 77 tỷ đồng).

Tổng cục Thuế cho biết:

Năm 2023, ngành Thuế sẽ tiếp tục tăng cường quản lý hoàn thuế để đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ hoàn thuế GTGT nhưng vẫn phải kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế, đảm bảo đúng đối tượng, đúng chính sách pháp luật; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng chính sách để gian lận, chiếm dụng tiền hoàn thuế.

Tổng cục Thuế sẽ chỉ đạo các cục thuế tăng cường sự chủ động trong công tác phối hợp xác minh hóa đơn giữa các cơ quan thuế, đảm bảo tính hiệu quả, phù hợp với nguồn lực của cơ quan thuế trong phòng, chống gian lận hoàn thuế GTGT.

Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hoàn thuế theo phương thức điện tử; tập trung rà soát, phân tích các tiêu chí rủi ro để nâng cấp, hoàn thiện và triển khai đồng bộ Ứng dụng phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT tự động trên toàn quốc, đảm bảo phù hợp với nguồn lực và tình hình thực tế tại địa phương.

Trên cơ sở đó triển khai công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết hồ sơ hoàn thuế kịp thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thêm nguồn vốn duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, nhưng vẫn phải đảm bảo kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật.

Bạn đang cần tư vấn thiết kế website bán hàng chuyên nghiệp , tham khảo dịch vụ của NKS nhé

NKS - Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ Tri Thức Mới

20 năm tư vấn và cung cấp giải pháp xây dựng thương hiệu toàn diện trên Internet

222 Lê Văn Sỹ, Phường 14, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Email: system@nks.vn

Website: https://nks.com.vn

Hotline: 0932030958

Mục lục
Menu