Bản tin BHXH tháng 7/2024

Mục lục

I. 3 thay đổi về chính sách BHYT từ ngày 01/07/2024

Từ ngày 01/7/2024, một số Luật có hiệu lực, cùng dự kiến thay đổi mức lương cơ sở, vì vậy, chính sách BHYT cũng có những thay đổi, bổ sung về mức đóng, hưởng.

1. Thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được tích hợp vào thẻ Căn cước công dân (CCCD)

CCCD có gắn chip sẽ được tích hợp nhiều thông tin liên quan đến người dân, trong đó có thông tin thẻ BHYT. Điều này có nghĩa là người dân có thể khám, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh mà không cần kèm theo thẻ BHYT giấy. Việc này đã tạo ra nhiều tiện ích, đặc biệt là những người có nhu cầu khám, chữa bệnh thường xuyên.

  • Việc tích hợp tất cả thông tin trong một loại thẻ sẽ rút ngắn thời gian làm thủ tục khám, chữa bệnh BHYT. Chỉ cần cung cấp thẻ CCCD có tích hợp BHYT tại quầy làm thủ tục của Bệnh viện, người bệnh đã hoàn thành việc đăng ký khám, chữa bệnh bằng BHYT.
  • Bên cạnh đó, sử dụng CCCD gắn chip còn giảm thiểu rủi ro nếu mất mát, hư hỏng thẻ BHYT giấy. Khi đi khám bệnh, người bệnh không cần phải mang theo nhiều loại giấy tờ tùy thân.
  • Ngoài ra, khi có CCCD gắn chip, người bệnh có thể dễ dàng chuyển đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT, được đảm bảo quyền lợi khi tham gia BHYT, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT cũng như phòng ngừa và chống gian lận BHYT…

Có thể thấy rằng, việc sử dụng CCCD gắn chip trong khám, chữa bệnh giúp các thủ tục hành chính cũng như việc quản lý trở nên thuận tiện, nhanh chóng và hạn chế các giấy tờ không cần thiết. Cùng với đó, việc đồng bộ dữ liệu thông tin trong CCCD gắn chip còn giúp người bệnh tránh các trường hợp quên thẻ BHYT hay giấy tờ tùy thân, giúp việc đăng kí khám bệnh trở nên dễ dàng.

2. Thay đổi mức đóng BHYT và trường hợp hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh (KCB)

Theo điểm d khoản 1 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh mà chi phí khám chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở thì được BHYT trả 100% chi phí khám chữa bệnh.

Theo Nghị quyết 69/2022/QH15 về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 về việc tăng mức lương cơ sở từ ngày 01/07/2024 thì 15% mức lương cơ sở là 270.000 đồng. Như vậy, từ ngày 01/07/2023, người tham gia bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh mà chi phí cho một lần dưới 270.000 đồng thì được BHYT chi trả 100%.

Lưu ý: Không áp dụng đối với trường hợp tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến.

3. Bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ tiền đóng BHYT

Từ ngày 01/07/2024, bổ sung người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở là đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT. Mức tiền hỗ trợ do Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định.

II. Tăng lương tối thiểu vùng và mức lương cơ sở từ 01/07/2024

Căn cứ Kết luận số 83-KL/TW ngày 21/06/2024 của Bộ Chính trị và Báo cáo số 329/BC-CP ngày 21/06/2024 của Chính phủ, Quốc hội thống nhất thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/07/2024.

Cụ thể, thực hiện đầy đủ 2 nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW, gồm: Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng bình quân 6% áp dụng từ ngày 01/07/2024); quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 01/01/2025)

Theo đó, từ ngày 01/07/2024, mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6/2024 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc).

Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm từ ngày 01/07/2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung.

III. Tăng 15% mức lương hưu từ 01/07/2024

Sáng 29-6, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV; trong đó Quốc hội quyết định điều chỉnh tăng mức hưởng lương hưu từ ngày 01/07/2024.

Theo đó, từ ngày 01/07/2024, điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6-2024); đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng; điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).

Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quy định tiền lương, chế độ chính sách đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khác thuộc Văn phòng Quốc hội và các đối tượng khác thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

IV. Tăng cường đảm bảo quyền lợi của người có thẻ BHYT khi đi khám bệnh, chữa bệnh

BHXH Việt Nam vừa ban hành Công văn số 1733/BHXH-CSYT ngày 10/06/2024 đề nghị BHXH các BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân tăng cường đảm bảo quyền lợi của người có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) khi đi khám bệnh, chữa bệnh.

Công văn của BHXH Việt Nam nêu rõ, thời gian qua BHXH Việt Nam nhận được nhiều ý kiến phản ánh việc người có thẻ BHYT khi đến khám bệnh, chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở KCB không được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT theo quy định như: phải tự mua thuốc, thiết bị y tế (TBYT), tự thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật (DVKT) thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT; phòng điều trị nội trú không có điều hoà nhiệt độ hoặc có nhưng không sử dụng được; không được cơ sở KCB chấp nhận giấy chuyển tuyến KCB BHYT trong năm tài chính; người bệnh phải xếp hàng chờ đợi lâu khi KCB do phải qua nhiều thủ tục; phải tạm ứng tiền trước mỗi lần thực hiện dịch vụ kỹ thuật; người bệnh không được miễn giảm chi phí cùng chi trả trong năm tài chính ngay tại cơ sở KCB khi đã đủ điều kiện theo quy định,…

Nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh có văn bản đề nghị các cơ sở KCB BHYT có trách nhiệm đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người có thẻ BHYT khi đến KCB, cụ thể:

  • Thứ nhất, cơ sở KCB BHYT triển khai quy trình khám bệnh tại Khoa khám bệnh theo đúng quy định tại Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/04/2013 của Bộ Y tế và hướng dẫn của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế tại Công văn số 855/KCB-QLCL&CĐT ngày 05/07/2023 để rút ngắn thời gian chờ đợi khám bệnh, giảm thủ tục phiền hà cho người bệnh BHYT và nâng cao chất lượng KCB, trong đó tập trung các giải pháp giảm thời gian chờ khám bệnh của người bệnh như: ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và khám bệnh, hẹn khám trực tuyến, đăng ký khám theo khung giờ, có sơ đồ chỉ dẫn đi làm xét nghiệm rõ ràng tại Khoa khám bệnh, người bệnh không phải tự lấy kết quả xét nghiệm, không phải tạm ứng tiền trước mỗi lần thực hiện xét nghiệm, chụp X quang…
  • Thứ hai, đảm bảo cung ứng thuốc, TBYT, DVKT thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT theo đúng phạm vi chuyên môn của cơ sở KCB. Trường hợp không cung ứng được hoặc vượt quá khả năng chuyên môn, cơ sở KCB có trách nhiệm chuyển người bệnh đến cơ sở KCB khác có đủ điều kiện cung ứng, có khả năng chuyên môn phù hợp, không để người bệnh phải tự chi trả chi phí KCB thuộc phạm vi, quyền lợi hưởng BHYT (trừ trường hợp theo yêu cầu của người bệnh hoặc thân nhân người bệnh).
  • Thứ ba, các phòng điều trị nội trú đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yếu tố chi phí trực tiếp đã được tính trong cơ cấu chi phí giá ngày giường bệnh quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế, không để tình trạng phòng bệnh nội trú không có điều hòa hoặc có điều hoà nhưng không hoạt động được dẫn đến người bệnh phải lựa chọn phòng điều trị theo yêu cầu mới có điều hòa.
  • Thứ tư, trường hợp người bệnh mắc các bệnh, nhóm bệnh thuộc danh mục được sử dụng Giấy chuyển tuyến trong năm dương lịch quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế đã được cơ sở KCB khác chuyển đến và cơ sở KCB tiếp nhận KCB và hẹn khám lại, nhưng vì lý do khách quan người bệnh đến KCB đã quá thời gian ghi trên giấy hẹn, cơ sở KCB tiếp nhận và KCB cho người bệnh theo quy định, không yêu cầu người bệnh quay lại cơ sở KCB ban đầu xin cấp lại giấy chuyển tuyến khác.
  • Thứ năm, trường hợp trên thẻ BHYT xác định được người bệnh đã tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả tại một lần KCB hoặc nhiều lần KCB trong năm tài chính tại cơ sở KCB đó lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, cơ sở KCB không thu số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở của người bệnh theo đúng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 27 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHYT.

BHXH Việt Nam yêu cầu Giám đốc BHXH các tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác giám định BHYT, trường hợp phát hiện cơ sở KCB BHYT không đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người có thẻ BHYT theo quy định như cung ứng thuốc, TBYT, DVKT không đầy đủ theo quy định mà chỉ định người bệnh phải tự túc thì báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Y tế để xử phạt cơ sở KCB và yêu cầu cơ sở KCB có trách nhiệm hoàn trả người bệnh theo đúng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 86 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/09/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

V. Chính phủ ban hành Nghị quyết, thống nhất triển khai 2 nhóm TTHC liên thông trong cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và chế độ tử tuất

Ngày 10/06/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 63/2024/NĐ-CP quy định việc thực hiện liên thông điện tử 02 nhóm thủ tục hành chính: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất (sau đây gọi tắt là 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông điện tử).

1. Nguyên tắc thực hiện quy trình liên thông điện tử

  • Một là, việc tổ chức tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử được thực hiện hợp lý, khoa học, bảo đảm yêu cầu khai thác, tái sử dụng dữ liệu phục vụ cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính giữa các cơ quan, tổ chức và người yêu cầu, không yêu cầu nộp bản giấy; chuyển phương thức xử lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
  • Hai là, việc thực hiện thủ tục hành chính liên thông điện tử tại Nghị định này có giá trị pháp lý như các hình thức khác theo quy định của pháp luật; không làm tăng chi phí cho cá nhân, tổ chức.
  • Ba là, kết quả giải quyết của thủ tục hành chính thuộc nhóm thủ tục hành chính liên thông điện tử là thành phần hồ sơ của thủ tục khác trong nhóm sẽ được hệ thống tự động chia sẻ để hoàn thiện hồ sơ gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.
  • Bốn là, các thông tin trong tờ khai điện tử quy định tại Nghị định này đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm, hệ thống thông tin có liên quan, được Phần mềm dịch vụ công liên thông điền tự động.
  • Năm là, hồ sơ, biểu mẫu điện tử của từng thủ tục sẽ được Phần mềm dịch vụ công liên thông tự động phân tách để chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định. Hồ sơ đăng ký khai sinh, khai tử được Phần mềm dịch vụ công liên thông đồng bộ về Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh; hồ sơ đăng ký thường trú, xóa đăng ký thường trú, hồ sơ cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp mai táng, tử tuất được đồng bộ về phần mềm nghiệp vụ của các bộ, ngành có liên quan.

2. Quy trình thực hiện liên thông điện tử các thủ tục hành chính được thực hiện đơn giản, khoa học

Nghị định quy định cụ thể về thành phần hồ sơ, phương thức nộp hồ sơ, quy trình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả đối với các thủ tục hành chính liên thông điện tử. Theo đó:

  • Việc nộp hồ sơ thuận lợi khi người yêu cầu chỉ cần truy cập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia (tại địa chỉ dichvucong.gov.vn) hoặc trên ứng dụng VNeID, lựa chọn mục “Dịch vụ công liên thông khai sinh, khai tử” để thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến và lệ phí theo quy định. Trường hợp người yêu cầu chỉ lựa chọn thực hiện liên thông 02 thủ tục hành chính (Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú); hoặc 03 thủ tục hành chính (Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí); hoặc 04 thủ tục hành chính (Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất), Phần mềm dịch vụ công liên thông sẽ điều chỉnh nội dung tờ khai điện tử và giấy tờ phải đính kèm theo nội dung liên thông mà người yêu cầu đã lựa chọn để người yêu cầu thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến theo quy định.
  • Về thời gian giải quyết:
    • Đối với nhóm thủ tục hành chính liên thông “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi” không quá 03 ngày làm việc kể từ khi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định, trường hợp phải xác minh thì không quá 05 ngày làm việc.
    • Đối với nhóm thủ tục hành chính liên thông “Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất”: Giải quyết trợ cấp mai táng, tử tuất đối với nhóm Người có công không quá 18 ngày làm việc; Giải quyết hỗ trợ chi phí mai táng đối với nhóm đối tượng Bảo trợ xã hội không quá 06 ngày làm việc và không quá 11 ngày làm việc đối với trường hợp đối tượng là người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; Trợ cấp mai táng, trợ cấp tử tuất đối với đối tượng do ngành BHXH giải quyết không quá 09 ngày làm việc.
  • Việc trả kết quả thủ tục hành chính: bản giấy (tại Bộ phận Một cửa của các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích theo đề nghị của người yêu cầu) hoặc bản điện tử (được các hệ thống tự động gửi đến người yêu cầu qua kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, ứng dụng VNeID và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh).

3. Trách nhiệm thực hiện liên thông thủ tục hành chính

Tại Nghị định quy định trách nhiệm của cơ quan cung cấp thủ tục hành chính liên thông, cơ quan thực hiện liên thông thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và BHXH Việt Nam.

Theo đó, BHXH Việt Nam có trách nhiệm:

  • Một là, bảo đảm Hệ thống thông tin của ngành BHXH hoạt động hiệu quả; kết nối thông suốt giữa Phần mềm dịch vụ công liên thông; đồng bộ các trạng thái tiếp nhận, xử lý hồ sơ và kết quả giải quyết với Phần mềm dịch vụ công liên thông
  • Hai là, hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu chứng sinh, báo tử điện tử giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với Phần mềm dịch vụ công liên thông trong thời gian Bộ Y tế chưa hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành y tế; thực hiện chia sẻ thông tin, dữ liệu chứng sinh, báo tử điện tử thuộc 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông điện tử với cơ sở dữ liệu ngành y tế
  • Ba là, hướng dẫn, chỉ đạo BHXH các cấp tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính liên thông; phối hợp với các cơ quan nhà nước ở địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính liên thông.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực đến ngày 01 tháng 7 năm 2024, các Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh, phần mềm nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương phải nâng cấp, hoàn thiện kết nối, chia sẻ, thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành và Phần mềm dịch vụ công liên thông theo quy định của Nghị định này; kể từ ngày 01/07/2024, hồ sơ 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông điện tử được tiếp nhận, giải quyết theo quy định tại Nghị định này.

VI. BHXH Việt Nam sẵn sàng triển khai sử dụng thống nhất tài khoản định danh điện tử VneID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ ngày 01/07/2024

Từ ngày 01/07/2024, tài khoản định danh điện tử VneID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến trên môi trường điện tử. Với vai trò là cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về Bảo hiểm, BHXH Việt Nam đã và đang tập trung các nguồn lực, phát huy lợi thế sẵn có của Ngành để sẵn sàng cho việc triển khai sử dụng thống nhất tài khoản VneID trong thực hiện DVC trực tuyến theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Ngày 29/05/2024, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn 3701/VPCP-KSTT về việc chuyển đổi, sử dụng tài khoản VneID trong thực hiện TTHC. Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2022/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử. Theo đó, từ ngày 01/07/2024, VneID là tài khoản duy nhất trong thực hiện TTHC, cung cấp DVC trực tuyến.

Nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của việc sử dụng một loại tài khoản định danh duy nhất, thời gian qua, để chuẩn bị cho việc sử dụng thống nhất tài khoản định danh điện tử (tài khoản VneID) do Bộ Công an cấp trong thực hiện DVC trực tuyến từ ngày 01/07/2024 theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP về định danh và xác thực điện tử, BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, cụ thể như sau:

  • Một là, BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên đã thực hiện việc kết nối với Bộ Công an để chia sẻ, xác thực thông tin giữa CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư và CSDL căn cước công dân. Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin để kết nối và triển khai các hoạt động thuộc Đề án 06 của Chính phủ nói chung và định danh, xác thực nói riêng.
  • Hai là, đồng bộ xác thực thông tin định danh cá nhân của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN giữa CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư. Đến tháng 06/2024, hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực trên 97,6 triệu thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư (trong đó có hơn 87,4 triệu người đang tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN). Đây là tiền đề quan trọng để triển khai đồng bộ thông tin tài khoản giao dịch điện tử VssID – BHXH số (tài khoản đăng nhập là mã số BHXH) do cơ quan BHXH cấp với tài khoản định danh điện tử VneID (tài khoản đăng nhập là số định danh cá nhân, số căn cước công dân) do Bộ Công an cấp.
  • Ba là, để triển khai DVC trên môi trường điện tử, từ tháng 9/2020, BHXH Việt Nam đã triển khai cấp tài khoản định danh (tài khoản VssID) cho các cá nhân để đăng nhập vào ứng dụng VssID và thực hiện các DVC. Đến nay, toàn quốc đã có khoảng 35 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân với cơ quan BHXH được cấp với quy trình tương đương định danh mức độ 2 theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP.
  • Bốn là, cùng với việc triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử VneID để đăng nhập ứng dụng VssID, BHXH Việt Nam cũng đã triển khai tích hợp thông tin thẻ BHYT (với khoảng 112 triệu lượt đề nghị tích hợp tính đến hết tháng 5/2024), thông tin sổ BHXH (với khoảng 19,4 triệu lượt đề nghị tích hợp tính đến hết tháng 5/2024) lên ứng dụng VneID nhằm phục vụ nhu cầu tra cứu, theo dõi thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT, sử dụng thẻ BHYT trong KCB của người dùng.

Để triển khai hiệu quả việc sử dụng thống nhất tài khoản định danh điện tử VneID trong thực hiện DVC trực tuyến, BHXH Việt Nam đã và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, các Bộ, ngành liên quan nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân trong quá trình tương tác, giao dịch với cơ quan BHXH.

VII. Tối ưu sử dụng quỹ KCB BHYT

Chiều 17/06/2024, Tổng Giám đốc B2HXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì buổi làm việc với BHXH 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác kiểm soát chi phí khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT.

Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế mạnh yêu cầu:

  • BHXH các tỉnh, thành phố đánh giá kết quả công tác kiểm soát chi phí KCB BHYT từ đầu năm đến nay; tập trung vào kết quả thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Ngành và chính quyền địa phương trong công tác này; kết quả triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý rủi ro, làm việc với các cơ sở y tế…
  • Các đơn vị chuyên môn BHXH Việt Nam bám sát các quy định trong Nghị định 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ để xây dựng các cơ chế kiểm soát, đưa ra các tiêu chí để từng cấp lãnh đạo, cán bộ liên quan biết và soi chiếu khi thực hiện. Tăng cường hệ thống thống kê, tổng hợp, đánh giá trên toàn quốc và từng địa phương phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Ngành và thực hiện nhiệm vụ tại BHXH các tỉnh, thành phố.
  • Trên cơ sở pháp lý là Luật BHYT và Nghị định 75/2023/NĐ-CP, BHXH các địa phương cần thường xuyên gửi cảnh báo đến các cơ sở y tế KCB BHYT về các chi phí, yếu tố gia tăng không phù hợp, bất hợp lý được chứng minh qua các con số, biểu đồ để các cơ sở y tế biết và điều chỉnh cho phù hợp.
  • Trong kiểm soát chi phí KCB BHYT, BHXH các địa phương cần đi từ tổng hợp đến chi tiết. Theo đó, từ các hệ thống thống kê, cảnh báo của BHXH Việt Nam cung cấp, BHXH các địa phương cảnh báo, kết hợp thanh tra, kiểm tra, yêu cầu giải trình, để tìm, chứng minh được cái bất hợp lý, từ đó từ chối thanh quyết toán theo quy định. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc lưu ý, cần tránh tư tưởng, cách làm cực đoan; mọi thông tin cần công khai, minh bạch vì mục đích chung là đảm bảo quyền lợi người bệnh.

VIII. Hướng dẫn thủ tục liên thông điện tử đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi

  • Về trình tự thực hiện: Trình tự thực hiện đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi thực hiện theo 4 bước như sau:
    • Bước 1. Người yêu cầu truy cập vào cổng Dịch vụ công quốc gia (tại địa chỉ dichvucong.gov.vn) hoặc trên ứng dụng VnelD, lựa chọn mục “Dịch vụ công liên thông khai sinh, khai tử” để thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến và lệ phí theo quy định.
    • Bước 2. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai sinh từ Phần mềm dịch vụ công liên thông; thông báo hẹn trả kết quả được Phần mềm dịch vụ công liên thông gửi cho người yêu cầu qua cổng Dịch vụ công quốc gia, ứng dụng VnelD và tin nhắn SMS.
    • Bước 3. Giải quyết hồ sơ đăng ký khai sinh. Sau khi hồ sơ đăng ký khai sinh điện tử được Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh chuyển tới Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp, công chức làm công tác hộ tịch thực hiện nghiệp vụ đăng ký khai sinh ngay trong ngày làm việc trên Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp.
    • Bước 4. Giải quyết hồ sơ đăng ký thường trú và cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi. Sau khi Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp chuyển bản điện tử Giấy khai sinh sang Phần mềm dịch vụ công liên thông thông qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, Phần mềm dịch vụ công liên thông phân tách, chuyển hồ sơ điện tử (bao gồm biểu mẫu, tờ khai người yêu cầu đã kê khai, bản điện tử Giấy khai sinh) đến Hệ thống thông tin quản lý cư trú để thực hiện đăng ký thường trú và Hệ thống thông tin ngành BHXH để thực hiện cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định pháp luật liên quan.
      • Thời gian giải quyết đăng ký thường trú không quá 02 ngày làm việc, trường hợp phải xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ điện tử, thông tin xác nhận qua ứng dụng VnelD.
      • Thời gian giải quyết cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi không quá 02 ngày làm việc.
  • Thành phần hồ sơ bao gồm:
    • Tờ khai điện tử (Mẫu số 01 kèm theo Nghị định số 63/2024/NĐ-CP).
    • Dữ liệu điện tử có ký số của Giấy chứng sinh được liên thông từ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với Phần mềm dịch vụ công liên thông. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì đính kèm các thành phần hồ sơ thay thế theo quy định pháp luật về Hộ tịch.
    • Trường hợp đăng ký thường trú cho trẻ em khác nơi thường trú của cha, mẹ (nếu được cha, mẹ đồng ý) thì đính kèm các thành phần hồ sơ theo quy định pháp luật về cư trú.
    • Các thành phần hồ sơ trên là bản giấy thì phải thực hiện số hóa theo quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
  • Thời hạn giải quyết:
    • Thời hạn giải quyết: 03 ngày làm việc kể từ khi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định, trường hợp phải xác minh thì không quá 05 ngày làm việc. Nếu tiếp nhận hồ sơ sau 15 giờ thì thời gian được tính bắt đầu từ ngày làm việc tiếp theo.
  • Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính:
    • Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết hồ sơ đăng ký khai sinh đối với trường hợp có yếu tố nước ngoài.
    • Công an cấp xã giải quyết hồ sơ đăng ký thường trú.
    • BHXH cấp huyện giải quyết hồ sơ cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi.
  • Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:
    • Bản điện tử Thẻ BHYT và Thông báo kết quả giải quyết đăng ký thường trú được các hệ thống tự động gửi đến người yêu cầu qua kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên cổng Dịch vụ công quốc gia, ứng dụng VnelD và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh; bản giấy của Thông báo kết quả giải quyết đăng ký thường trú, thẻ BHYT nếu người yêu cầu đề nghị.
    • Bản điện tử và bản giấy của Giấy khai sinh.
    • Phí, lệ phí đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi thực hiện theo quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Kể từ ngày 01/07/2024, hồ sơ nhóm thủ tục hành chính liên thông điện tử được tiếp nhận, giải quyết theo quy định tại Nghị định 63/2024/NĐ-CP.

IX. Hưởng lương hưu và nhận BHXH 1 lần: Hình thức nào mang lại lợi ích lớn hơn?

1. Lợi trước mắt, thiệt lâu dài

Hiện nay không ít người lao động cũng vì giải quyết khó khăn trước mắt nên đã rút BHXH một lần mà không nghĩ đến lợi ích lâu dài. Thậm chí có người đã rút BHXH đến 3-4 lần.

Nhiều chuyên gia phân tích, thực tế khi rút BHXH một lần, người lao động “mất nhiều hơn được”. Khi rút một cục, họ sẽ có một khoản tiền để chi tiêu giải quyết khó khăn trước mắt, những khoản tiền này sẽ nhanh chóng cạn kiệt. Về lâu dài người rút BHXH một lần sẽ bị hạn chế rất nhiều quyền lợi.

Khi không còn trong hệ thống BHXH được Nhà nước bảo hộ, người rút BHXH một lần mất cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng, không được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu.

2. Rút một lần thiệt hơn so với số tiền đã đóng

Khi nhận BHXH một lần thì số tiền người lao động nhận được thiệt hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH. Theo quy định hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%.

Tổng mức đóng vào quỹ BHXH hàng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu người lao động hưởng BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho mỗi năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho mỗi năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Do vậy, nếu lĩnh BHXH một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.

X. Đa dạng các hình thức truyền thông, lan tỏa ý nghĩa, vai trò của chính sách BHYT

BHXH Việt Nam ban hành Công văn số 1903/BHXH-TT gửi các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn truyền thông chuyên đề nhân 15 năm ngày BHYT Việt Nam 01/07/2024

Theo đó, thực hiện các Kế hoạch của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, nhân dịp 15 năm Ngày BHYT Việt Nam (01/07/2009-01/07/2024), BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc, BHXH các địa phương đẩy mạnh các hoạt động truyền thông hưởng ứng ngày BHYT Việt Nam năm 2024 phù hợp với tình hình thực tiễn, nhằm lan tỏa sâu rộng về ý nghĩa, giá trị nhân văn của chính sách BHYT, đồng thời tiếp tục nâng cao hơn nữa trách nhiệm và năng lực tổ chức thực hiện chính sách BHYT.

  • Chủ đề truyền thông: “Sử dụng hiệu quả quỹ BHYT và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại y tế cơ sở”.
  • Nội dung truyền thông gồm:
    • Tăng cường thông tin, truyền thông chuyên đề về ý nghĩa, vai trò, lợi ích, tính nhân văn của chính sách BHYT, nhất là BHYT hộ gia đình; quyền lợi của người có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh (KCB); mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương cho người tham gia BHYT hộ gia đình.
    • Sự vào cuộc chủ động, tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT; vai trò, ý nghĩa, kết quả của công tác này đối với việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại địa phương.
    • Các chính sách, pháp luật về BHYT mới; các quy định liên quan đến công tác KCB BHYT, thanh toán chi phí KCB BHYT; kết quả tổ chức thực hiện chính sách BHYT 15 năm qua; những nỗ lực của ngành BHXH trong việc đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT theo quy định của pháp luật và trong công tác quản lý, sử dụng quỹ BHYT an toàn, hiệu quả.
    • Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam trong tổ chức, thực hiện chính sách BHYT, giúp người tham gia – thụ hưởng chính sách BHYT được thuận tiện hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế để KCB và chăm sóc sức khỏe.
    • Trách nhiệm, nghĩa vụ, ý thức chấp hành pháp luật BHYT của người sử dụng lao động, người lao động; trách nhiệm của người sử dụng lao động, các cơ quan, đơn vị trong việc đóng BHYT đúng – đủ cho người lao động. Nhận diện các hành vi vi phạm pháp luật về BHYT; hình thức lạm dụng, trục lợi phổ biến trong lĩnh vực BHYT; quy định của pháp luật về các hành vi vi phạm pháp luật về BHYT; kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, kết quả xét xử của tòa án các cấp về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHYT.
    • Biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt chính sách BHYT; có sáng kiến, giải pháp hay trong công tác tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia BHYT hộ gia đình; đã ủng hộ trao tặng thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.
    • Lan tỏa các trường hợp người tham gia BHYT được quỹ BHYT chi trả chi phí lớn trong điều trị bệnh, giúp giảm bớt khó khăn tài chính; đồng thời lồng ghép thông tin về các trường hợp người bệnh chưa tham gia BHYT, gia đình gặp khó khăn trong việc chi trả các chi phí KCB;….
  • Hình thức truyền thông: Tùy tình hình thực tế, căn cứ đặc thù của địa phương để lựa chọn tổ chức các hoạt động truyền thông đảm bảo phù hợp, hiệu quả, đi vào thực chất gồm: Tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm ngày BHXH Việt Nam hoặc Lễ ra quân; Truyền thông trực quan; Truyền thông trực tiếp; Truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; Truyền thông qua môi trường Internet và mạng xã hội.

BHXH Việt Nam giao Trung tâm Truyền thông là đầu mối đôn đốc, hướng dẫn BHXH các tỉnh triển khai thực hiện Công văn này, đảm bảo linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

XI. Linh hoạt nhiều hình thức chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH

Nhằm tạo thuận lợi nhất cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, ngành BHXH Việt Nam triển khai song song các hình thức chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH. Theo đó, người hưởng hoàn toàn có thể tự lựa chọn hình thức nhận chế độ BHXH phù hợp nhất và tối ưu nhất đối với bản thân.

1. Người hưởng có quyền lựa chọn hình thức nhận lương hưu và trợ cấp BHXH

Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật BHXH năm 2014, thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam đã tích cực tuyên truyền tới các tầng lớp Nhân dân và triển khai hiệu quả đa dạng các hình thức chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH linh hoạt, phù hợp theo nhu cầu của người thụ hưởng.

Cụ thể, người hưởng có quyền lựa chọn hình thức nhận lương hưu và trợ cấp BHXH đầy đủ, kịp thời, theo một trong các hình thức chi trả sau: Trực tiếp từ cơ quan BHXH hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan BHXH ủy quyền; Thông qua tài khoản tiền gửi của NLĐ mở tại ngân hàng; Thông qua người sử dụng lao động.

  • Ông Nguyễn Văn Tĩnh – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính – Kế toán (BHXH Việt Nam) cho biết, nhằm đảm bảo chi trả chế độ BHXH đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia và thụ hưởng chính sách, song song với việc chi trả qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng, cơ quan BHXH vẫn tiếp tục thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH bằng tiền mặt đối với người hưởng có nhu cầu.
  • Đặc biệt, tại Hợp đồng ủy quyền chi trả các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp và quản lý người hưởng BHXH hằng tháng qua hệ thống bưu điện, BHXH Việt Nam đã quy định đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng là người già yếu, cô đơn, ốm đau, bệnh tật mà không có khả năng đi đến điểm chi trả để nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, cơ quan Bưu điện thực hiện chi trả miễn phí tận nơi cư trú cho người hưởng.

2. Nhiều tiện ích cho đối tượng thụ hưởng chính sách

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, với mục tiêu đem lại những gì tốt nhất cho người tham gia, thụ hưởng chính sách, thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến những lợi ích của việc nhận chế độ qua tài khoản với tinh thần để người tham gia, thụ hưởng tự nguyện tham gia.

Theo ông Nguyễn Văn Tĩnh, việc triển khai thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt là đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và có nhiều ưu điểm, tiện ích như: Giúp người hưởng không phải tập trung nhận tiền và ký danh sách chi trả tại các điểm chi trả nên tiết kiệm được thời gian và công sức đi lại; đảm bảo người hưởng nhận chế độ BHXH được đầy đủ, nhanh chóng, chính xác, kịp thời, an toàn, đúng thời gian quy định…

Chưa kể, hiện nay, hệ thống ngân hàng thương mại rộng khắp, các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt cung cấp nhiều tiện ích, tích hợp nhiều tính năng hỗ trợ khách hàng trong giao dịch như: Rút tiền mặt, tra cứu số dư, chuyển tiền, nộp tiền, thanh toán hóa đơn…, nên người hưởng gặp rất nhiều thuận lợi.

XII. Nhiều chuyển biến tích cực trong đảm bảo an sinh xã hội

Trong nửa đầu năm 2024, bên cạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT ngành BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp trong đảm bảo quyền lợi, chế độ cho đối tượng thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Điều này đã góp phần kịp thời đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nâng cao niềm tin của đối tượng thụ hưởng vào chính sách BHXH, BHYT.

1. Kết quả tích cực trong phát triển đối tượng và chi trả chế độ BHXH, BHYT

  • 6 tháng đầu năm 2024, BHXH Việt Nam luôn chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành tham gia xây dựng, sửa đổi các dự luật quan trọng liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT như: Dự án Luật BHXH (sửa đổi); Luật BHYT (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi); chính sách cải cách tiền lương…
  • Đồng thời, BHXH Việt Nam đã thực hiện đánh giá tác động của các quy định, chính sách đối với công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT nhằm thực thi chính sách hiệu quả, đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người dân, người lao động và doanh nghiệp.
  • Bên cạnh xây dựng, hoàn thiện chính sách, ngành BHXH Việt Nam đã tích cực triển khai các giải pháp trong phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Nhờ đó, số người tham gia các loại hình bảo hiểm này đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, đến nay có khoảng 18,3 triệu người tham gia BHXH, đạt tỷ lệ bao phủ là 39,05% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 1,16 triệu người (tương đương 6,77%) so với cùng kỳ năm 2023; trong đó BHXH tự nguyện là 1,62 triệu người, tăng 202 nghìn người (tương đương 14,25%) so với cùng kỳ năm 2023.
  • Bên cạnh đó, ngành BHXH Việt Nam đã kịp thời giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT cho đối tượng thụ hưởng đảm bảo đầy đủ, kịp thời, qua đó đã góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động và Nhân dân.
    • Theo BHXH Việt Nam, ước 6 tháng đầu năm 2024, cơ quan BHXH đã giải quyết và chi trả cho gần 8 triệu người hưởng các chế độ BHXH; phối hợp với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết 442,38 nghìn người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp được lập danh sách chi trả trong tháng.
    • Bên cạnh đó, Ngành thực hiện tốt công tác giải quyết, chi trả chế độ, đảm bảo quyền lợi KCB BHYT cho người có thẻ BHYT. Ước đến tháng 6/2024, cả nước có khoảng 89,552 triệu lượt người KCB BHYT nội trú và ngoại trú (tăng 6,563 triệu lượt người (tương đương 7,91%) so với cùng kỳ năm 2023); với số tiền giám định, thanh toán hơn 66,92 nghìn tỷ đồng.

2. Lấy người dân làm trung tâm phục vụ

Để tạo chuyển biến trong cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, ngành BHXH Việt Nam thường xuyên rà soát, cắt giảm tối đa về quy trình, hồ sơ, thủ tục; ứng dụng công nghệ thông tin, quyết liệt chuyển đổi số toàn diện mà trọng tâm là Đề án số 06 của Chính phủ…

Những việc làm thiết thực này đã đem lại rất nhiều lợi ích, tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp:

  • BHXH Việt Nam là 1 trong 7 cơ quan hoàn thành 100% phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư.
  • Ngoài ra, BHXH Việt Nam đã tích cực chủ động phối hợp với các ngành Công an, từ sớm, từ xa để thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư với CSDL quốc gia về bảo hiểm; phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy trong KCB BHYT… Số liệu thống kê cho thấy, đến tháng 6/2024, hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực trên 97,6 triệu thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư (trong đó có hơn 87,4 triệu người đang tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN).
  • Để tạo chuyển biến trong cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, ngành BHXH Việt Nam thường xuyên rà soát, cắt giảm tối đa về quy trình, hồ sơ, thủ tục. Đến nay, 100% cơ sở KCB BHYT triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp, với trên 90 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD thành công phục vụ làm thủ tục KCB BHYT.
  • Đặc biệt, ngành BHXH Việt Nam cũng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các bộ, ngành khác triển khai liên thông 2 nhóm thủ tục hành chính thiết yếu tại Đề án 06 (gồm: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng). Tính đến tháng 6/2024, BHXH các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 945.711 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và 11.485 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí được thực hiện qua 02 nhóm dịch vụ công liên thông này.
  • Với tinh thần chủ động, trách nhiệm, BHXH Việt Nam sẵn sàng cùng các bộ, ngành liên quan triển khai các quy định theo tinh thần Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10/6/2024 của Chính phủ từ ngày 01/07/2024.

Nhìn chung, thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam đã không chỉ thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn được giao, mà còn đảm bảo an sinh xã hội cho các đối tượng thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Điều này đã góp phần kịp thời đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nâng cao niềm tin của đối tượng thụ hưởng vào chính sách BHXH, BHYT.

Bạn đang cần tư vấn thiết kế website bán hàng chuyên nghiệp , tham khảo dịch vụ của NKS nhé

NKS - Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ Tri Thức Mới

20 năm tư vấn và cung cấp giải pháp xây dựng thương hiệu toàn diện trên Internet

222 Lê Văn Sỹ, Phường 14, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Email: system@nks.vn

Website: https://nks.com.vn

Hotline: 0932030958

Mục lục
Menu