Bản tin BHXH tháng 3/2024

Mục lục

I. Hướng dẫn giải quyết hưởng BHXH một lần

BHXH Việt Nam ban hành Công văn số 333/BHXH-CSBH gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là BHXH tỉnh) hướng dẫn thực hiện giải quyết hưởng BHXH một lần.

Cùng với Công văn số 3350/BHXH-CSXH ngày 17/10/2023 của BHXH Việt Nam về việc thực hiện Công văn số 4176/LĐTBXH-BHXH ngày 4/10/2023 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), để việc giải quyết chế độ, chính sách đúng quy định pháp luật, kịp thời thu hồi về quỹ BHXH khi phát hiện quyết định hưởng không đúng chế độ, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh rà soát, xử lý đối với các trường hợp đã hưởng BHXH một lần không đúng quy định của Luật BHXH 2006, Luật BHXH 2014, Nghị quyết số 93/2015/QH13, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP, Nghị định số 134/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn. Cụ thể:

  • Đối với các trường hợp hưởng BHXH một lần không đúng quy định, BHXH tỉnh/BHXH quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (BHXH huyện) ban hành Quyết định hưởng BHXH một lần (Quyết định) theo phân cấp giải quyết phối hợp với BHXH tỉnh/huyện có liên quan (nếu có) xác định cụ thể nguyên nhân. Theo đó, BHXH tỉnh/huyện nơi giải quyết thực hiện hủy Quyết định hưởng BHXH một lần và Quyết định điều chỉnh mức hưởng trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ (nếu có) và thu hồi số tiền đã chi không đúng về quỹ BHXH.
  • Sau khi thu hồi đủ số tiền hưởng không đúng quy định về quỹ BHXH, BHXH tỉnh/huyện nơi giải quyết đề nghị hủy hưởng BHXH một lần tại chức năng “Xét duyệt/Đề nghị phê duyệt hủy hưởng BHXH một lần (tra cứu)” trên phần mềm Xét duyệt chính sách (TCS) đính kèm các căn cứ liên quan: Quyết định hủy quyết định hưởng BHXH một lần, phiếu thu tiền… Việc thu hồi số tiền hưởng BHXH không đúng quy định được thực hiện thông qua chuyển khoản hoặc nộp trực tiếp về tài khoản của cơ quan BHXH cấp tỉnh/huyện nơi giải quyết.
  • Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị hủy tra cứu dữ liệu hưởng BHXH một lần của BHXH tỉnh/huyện, Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) thực hiện phê duyệt hủy dữ liệu hưởng BHXH một lần trên phần mềm TCS tại mục “Tra cứu”. Sau khi có kết quả phê duyệt trên phần mềm, phòng/bộ phận Chế độ BHXH nơi giải quyết lập danh sách theo mẫu D16-TS ban hành kèm theo Quyết định số 948/QĐ-BHXH ngày 05/06/2023 của BHXH Việt Nam chuyển phòng/bộ phận Thu-Sổ thẻ thực hiện khôi phục quá trình tham gia BHXH và cấp lại hoặc gộp sổ BHXH cho NLĐ theo quy định. Chỉ thực hiện khôi phục quá trình tham gia BHXH đã hưởng BHXH một lần sau khi thu hồi đầy đủ số tiền hưởng không đúng quy định về quỹ BHXH. Khi phát hiện người hưởng BHXH một lần không đúng quy định do BHXH tỉnh/huyện khác giải quyết thì BHXH tỉnh/huyện nơi phát hiện thông báo trên phần mềm TCS cho BHXH tỉnh/huyện nơi giải quyết.
    BHXH tỉnh/huyện nơi giải quyết thực hiện kiểm tra, rà soát việc hưởng BHXH một lần không đúng quy định do BHXH tỉnh/huyện khác phát hiện gửi trên phần mềm TCS. Trường hợp người hưởng không đúng quy định thì thực hiện quy trình như hướng dẫn tại Điểm 1.1, Khoản 1 văn bản này. Trường hợp xác định người hưởng đúng quy định thì thông báo lại cho tỉnh/huyện đã phát hiện trên phần mềm TCS.
    Trong thời gian phần mềm TCS chưa đáp ứng được quy trình nêu trên, thì BHXH tỉnh/huyện nơi phát hiện gửi thông báo trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (Eoffice) tới BHXH tỉnh/huyện nơi giải quyết để xem xét hủy Quyết định hưởng BHXH một lần và thực hiện đến khi Trung tâm CNTT nâng cấp, điều chỉnh phần mềm TCS theo hướng dẫn tại văn bản này. Ngày đầu tháng sau lập báo cáo kết quả rà soát, thu hồi BHXH một lần hưởng không đúng quy định theo Thông báo kết quả kiểm toán số 702/TB-KTNN ngày 25/12/2019 ngày 02/12/2022 của Kiểm toán Nhà nước và các trường hợp thu hồi khác của tháng trước theo nội dung nêu tại Điểm 1.1, Khoản 1, mẫu tại Phụ lục I, II kèm văn bản này, ký số trên phần mềm TCS.
    Trường hợp phát hiện người có nhiều mã số BHXH hoặc có thời gian đóng BHXH không đúng quy định đã hưởng BHXH một lần (đóng không đúng đối tượng, trùng quá trình tham gia BHXH) thì thực hiện hủy Quyết định hưởng, thu hồi số tiền đã chi theo quy định tại Khoản 1 văn bản này và hoàn trả số tiền đã đóng BHXH, BH thất nghiệp không đúng quy định; đồng thời thu hồi tiền hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức-phục hồi sức khỏe, tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp, BH thất nghiệp phát sinh do quá trình đóng BHXH, BH thất nghiệp không đúng quy định đó (nếu có). Trường hợp phát hiện có tình trạng mượn hồ sơ tư pháp để giao kết HĐLĐ và tham gia BHXH, BH thất nghiệp thì căn cứ quy định của pháp luật (Bộ luật Lao động, Luật Dân sự), hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền và của BHXH Việt Nam để xem xét, xử lý theo quy định.

BHXH Việt Nam cũng yêu cầu Giám đốc BHXH các tỉnh chỉ đạo, quán triệt đến các phòng, bộ phận nghiệp vụ và công chức, viên chức các giải pháp để đảm bảo thực hiện đúng quy định của chính sách, hạn chế tối đa việc hủy Quyết định, thu hồi số tiền BHXH đã chi trả. Đồng thời, các quy định trước đây nếu trái với quy định tại văn bản này thì thực hiện theo văn bản này. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, kịp thời phản ánh và đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung về BHXH Việt Nam để được hướng dẫn cho phù hợp.

II. Quy định mới về mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH

Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư số 20/2023/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH. Các quy định tại Thông tư này áp dụng kể từ ngày 01/01/2024.

1. Văn bản quy định rõ về các nhóm đối tượng áp dụng

  • Thứ nhất, đối tượng điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 10 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP bao gồm:
    • Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 01/01/2016 trở đi, hưởng BHXH một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 01/01/2024 đến ngày 31/12/2024.
    • Người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 01/01/2024 đến ngày 31/12/2024 (sau đây gọi tắt là nhóm đối tượng thứ nhất).
  • Thứ hai, đối tượng điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP là người tham gia BHXH tự nguyện hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 01/01/2024 đến 31/12/2024 (sau đây gọi tắt là nhóm đối tượng thứ hai).

Văn bản nêu rõ, tiền lương tháng đã đóng BHXH đối với nhóm đối tượng thứ nhất quy định tại Thông tư này được điều chỉnh theo công thức sau:

Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm=Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm=Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng

Trong đó, mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng được thực hiện theo bảng 1 dưới đây:

NămTrước năm 19951995199619971998199920002001200220032004
Mức điều chỉnh5,434,614,364,223,923,753,823,833,683,573,31
Năm20052006200720082009201020112012201320142015
Mức điều chỉnh3,062,852,632,142,01,831,541,411,331,271,27
Năm201620172018201920202021202220232024
Mức điều chỉnh1,231,191,151,121,081,071,031,01,0

Đối với người lao động vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định từ ngày 01/01/2016 trở đi và tiền lương tháng đã đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều này.

2. Điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH

Thu nhập tháng đã đóng BHXH đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư này được điều chỉnh theo công thức sau:

Thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện sau điều chỉnh của từng năm=Tổng thu nhập tháng đóng BHXH của từng năm=Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của từng năm tương ứng

Trong đó, mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm tương ứng được thực hiện theo Bảng 2 dưới đây:

Năm200820092010201120122013201420152016
Mức điều chỉnh2,142,01,831,541,411,331,271,271,23
Năm20172018201920202021202220232024
Mức điều chỉnh1,191,151,231,191,151,121,081,07
  • Đối với người lao động vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện thì:
    • Thu nhập tháng đã đóng BHXH tự nguyện được điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều này;
    • Tiền lương tháng đã đóng BHXH bắt buộc được điều chỉnh theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và Điều 2 Thông tư này.
  • Mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH làm căn cứ tính hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH một lần và trợ cấp tuất một lần được tính theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và khoản 4 Điều 5 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2024. Các quy định tại Thông tư này áp dụng kể từ ngày 01/01/2024.

Thông tư số 01/2023/TT-BLĐTBXH ngày 03/01/2023 của Bộ trưởng LĐ-TB&XH hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

III. Thúc đẩy 5 nhóm vấn đề để triển khai Đề án 06 của Chính phủ trong năm 2024

Chiều ngày 20/02/2024, tại Hà Nội, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) đã chủ trì cuộc họp Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ tháng 02/2024.

Tham dự cuộc họp có Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực và các thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 là đại diện các bộ, ngành có liên quan; lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an…

Báo cáo tại cuộc họp nêu rõ, trong tháng 02/2024, việc thực hiện triển khai Đề án 06 tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng.

  • Nổi bật, Bộ Công an phối hợp với Văn phòng Chính phủ tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo;
  • Phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức 9.713 điểm bưu điện cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hướng dẫn cho 23.042 lượt người dân thực hiện với 16.486 hồ sơ trực tuyến;
  • Hoàn thiện giải pháp kỹ thuật, triển khai sản phẩm đánh giá khả tín khách hàng vay với 05 ngân hàng; công bố 8 tiện ích trên VneID.
  • Về triển khai chi trả an sinh xã hội, Bộ LĐ-TB&XH đã tích cực phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đôn đốc các địa phương triển khai chi trả an sinh xã hội dưới hình thức không dùng tiền mặt. Theo đó:
    • Đã tạo tài khoản cho 1.590.928 người (tăng 134.076 người so với tháng 01/2024), chi trả qua tài khoản cho 832.665 người (tăng 246.690 người so với tháng 01/2024);
    • Tổng số tiền chi trả trên 2,6 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 862 tỷ đồng so với tháng 01/2024).
  • Về phát triển công dân số:
    • Đã thu nhận 73,8 triệu hồ sơ tài khoản định danh điện tử (tăng 700 nghìn tài khoản so với tháng 01/2024);
    • Đã kích hoạt trên 52,7 triệu tài khoản (chiếm 71,4% tổng số hồ sơ thu nhận).
    • Tổng số lượt sử dụng VNeID trung bình/ngày của 05 thành phố trực thuộc trung ương là: 354.248 lượt, trong đó: 329.070 lượt sử dụng trên app (chiếm 92,89%) và 25.178 lượt sử dụng VNeID để đăng nhập vào cổng dịch vụ công (chiếm 7,11%). Nổi bật là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với lần lượt 124.424 và 140.462 lượt sử dụng.

Tại cuộc họp, dưới sự điều hành của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, các đại biểu, thành viên của Tổ công tác đã thảo luận, đánh giá tồn tại và đưa ra giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm triển khai thực hiện Đề án 06 đạt hiệu quả tốt hơn nữa trong thời gian tới với các nội dung như:

  • Một là, tập trung đánh giá về công tác kiểm soát thủ tục hành chính, dịch vụ công toàn trình, một phần;
  • Hai là, đánh giá lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, số hóa hộ tịch, dữ liệu liên quan;
  • Ba là, triển khai chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, xây dựng Sổ sức khỏe điện tử, kho dữ liệu Hồ sơ sức khỏe điện tử;
  • Bốn là, triển khai các biện pháp thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống thất thu thuế;
  • Năm là, số hóa dữ liệu nhà ở và giải pháp đánh số nhà theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; …

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Tô Lâm ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Tổ công tác đề án 06 đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời đề nghị các bộ, ngành, thành viên Tổ công tác tiếp tục bám sát nội dung Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo.

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, cần xác định, trong năm 2024 sẽ thúc đẩy 5 nhóm vấn đề để triển khai Đề án 06 có hiệu quả, đó là:

  • (1) Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công toàn trình; dịch vụ công liên thông;
  • (2) Số hoá và tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, tạo lập dữ liệu dùng chung;
  • (3) Thúc đẩy thực hiện Chỉ thị 18/CT-TTg, ngày 30/5/2023 của Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.
  • (4) Đẩy mạnh quản lý số nhà, đánh số và gắn biển số nhà;
  • (5) Định danh doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể – Quản lý người lao động và thị trường lao động trên VneID.

Về dịch vụ công trực tuyến, để hoàn thành, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đối với 13/53 dịch vụ công thiết yếu trong tháng 04/2024, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an làm việc, đôn đốc 08 đơn vị: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Bộ Tài chính.

  • Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các bộ, địa phương, cơ quan liên quan hướng dẫn chuẩn hóa dữ liệu khoản thu (phí, lệ phí, viện phí, học phí…), việc đối soát và hoàn tiền trực tuyến các khoản thu nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công đã nộp vào ngân sách nhà nước (hoàn thành trong tháng 03/2024).
  • Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các địa phương chỉ đạo đưa vào sử dụng ngay với các dữ liệu đất đai, dữ liệu hộ tịch đã được số hóa, làm sạch với cơ sở dữ liệu dân cư để cắt giảm các thủ tục hành chính cho người dân. Các bộ, ngành khẩn trương tích hợp sử dụng tài khoản VNeID đăng nhập cổng dịch vụ công và làm sạch dữ liệu tài khoản trên cổng dịch vụ công, chậm nhất đến 01/07/2024 theo Nghị định 59/NĐ-CP.

Về nhóm phát triển kinh tế, xã hội, phát triển công dân số, kết nối, chia sẻ, tạo lập dữ liệu dùng chung, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị:

  • Ngân hàng nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu ứng dụng giải pháp chấm điểm khả tín trong hoạt động cho vay, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tín dụng đen, bảo đảm các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân;
  • Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp Bộ Công an triển khai thí điểm giải pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNEID tại tỉnh Thừa Thiên Huế trước khi nhân rộng toàn quốc;
  • Bộ Lao động – Thương bình và Xã hội tiếp tục phối hợp Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Công an và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai chi trả qua tài khoản cho 100% các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội từ ngân sách nhà nước, thực hiện thường xuyên, bảo đảm chính xác, nhanh chóng, tiện lợi, kịp thời…

Đối với vấn đề tích hợp các giấy tờ trên VneID, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị BHXH Việt Nam đảm bảo ổn định, không giới hạn các dịch vụ tích hợp thông tin về Bảo hiểm y tế, lịch sử khám chữa bệnh, quá trình đóng BHXH. Bộ Thông tin và Truyền thông đảm bảo thông suốt đường truyền, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống định danh, xác thực điện tử với BHXH Việt Nam và các bộ, ngành, đơn vị khác.

Về việc triển khai giải pháp quản lý đánh số nhà, đánh số và gắn biển số nhà, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị: Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam khẩn trương hoàn thành Hướng dẫn các địa phương thực hiện thu thập, cung cấp thông tin địa chỉ, dữ liệu định danh vị trí nhà ở, công trình xây dựng tại đô thị và điểm dân cư nông thôn gắn với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số; Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xây dựng, ban hành tiêu chuẩn về địa chỉ số quốc gia để xây dựng địa chỉ số quốc gia. Bộ Công an sẽ phối hợp nghiên cứu, đề xuất tổ chức triển khai giải pháp xây dựng dữ liệu địa chỉ quốc gia trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ứng dụng VNeID…

IV. Chính sách BHXH, BHYT nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt, tăng quyền lợi người tham gia trong năm 2024

Năm 2024, chính sách BHXH, BHYT có nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt. Điều này không chỉ gia tăng quyền lợi của hàng triệu người dân, người lao động mà còn phản ánh xu hướng phát triển và cải cách của hệ thống an sinh xã hội trong bối cảnh mới.

1. Tăng tuổi nghỉ hưu, thay đổi điều kiện hưởng lương hưu

Từ ngày 01/01/2024, theo Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của lao động nam trong điều kiện bình thường là 61 tuổi, lao động nữ là 56 tuổi và 4 tháng. Sự điều chỉnh này, tạo ra một sự chuyển biến rõ rệt so với năm 2023 (tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi 9 tháng cho nam và 56 tuổi cho nữ).

Điều này cũng đồng nghĩa với việc điều kiện hưởng lương hưu cũng có những thay đổi tương ứng. Theo quy định mới, người lao động tham gia BHXH bắt buộc sẽ được hưởng lương hưu khi đóng đủ 20 năm trở lên và đạt đến tuổi nghỉ hưu đã được điều chỉnh.

Cụ thể, lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 01/01/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Lao động nam nghỉ hưu từ ngày 01/01/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH. Từ năm 2022 trở đi, số năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45% là 20 năm, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%:

Sự thay đổi này không chỉ phản ánh sự thích ứng với xu hướng già hóa dân số ở nước ta mà còn cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống cho người lao động sau khi họ hoàn thành quãng thời gian lao động, đóng góp cho xã hội.

2. Tăng lương hưu, trợ cấp BHXH

Ngày 10/11/2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Theo đó, từ ngày 01/07/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/05/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Đồng thời, thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Điều này đánh dấu sự khởi đầu của việc cải cách toàn diện chính sách tiền lương ở nước ta, không chỉ mang lại hơi thở mới cho hệ thống lương hưu mà còn cả tới các loại trợ cấp BHXH và các chính sách an sinh xã hội khác, tất cả đều được điều chỉnh tăng lên từ ngày 01/07/2024. Tuy nhiên, để xác định lương hưu năm 2024 tăng bao nhiêu phần trăm còn phải chờ có văn bản quy định chi tiết của Chính phủ.

3. Thay đổi cách tính lương hưu tối thiểu

Khoản 5 Điều 56 Luật BHXH năm 2014 quy định về mức hưởng lương hưu thấp nhất khi tham gia BHXH bắt buộc là bằng mức lương cơ sở.

Hiện nay, mức lương cơ sở đang là 1,8 triệu đồng do đó, mức lương hưu thấp nhất là 1,8 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, từ ngày 01/07/2024, việc bãi bỏ lương cơ sở đã mở đường cho một cơ chế mới trong việc xác định mức hưởng lương hưu. Chính phủ sẽ có văn bản quy định cụ thể hoặc hướng dẫn cách xác định mức hưởng lương hưu thấp nhất. Điều này đánh dấu một bước ngoặt trong quản lý chính sách an sinh xã hội, phản ánh nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách và tối ưu hóa hệ thống BHXH.

  • Một là, điều chỉnh trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng.
    • Một trong những điểm nổi bật nữa trong Luật BHXH năm 2024 là việc điều chỉnh các khoản trợ cấp BHXH, bao gồm trợ cấp sinh con, dưỡng sức sau sinh, dưỡng sức sau ốm và trợ cấp tuất hàng tháng.
    • Theo Luật BHXH năm 2014, các khoản trợ cấp BHXH được tính dựa trên mức lương cơ sở. Ví dụ như trợ cấp 1 lần khi sinh con, trợ cấp dưỡng sức sau sinh, dưỡng sức sau ốm, trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất hàng tháng.
    • Khi thực hiện cải cách tiền lương dẫn đến không còn hệ số lương và mức lương cơ sở. Theo đó, các khoản trợ cấp BHXH nêu trên cũng sẽ thay đổi. Căn cứ theo Nghị quyết số 104/2024, các khoản trợ cấp này từ 01/07/2024 sẽ được tăng. Hiện Chính phủ đang đề xuất các khoản trợ cấp gắn với lương cơ sở bằng với mức cao nhất hiện nay và quy định bằng số tiền cụ thể. Theo đó:
      • § Dự kiến trợ cấp dưỡng sức sau sinh, ốm đau là 540.000 đồng/ngày;
      • § Trợ cấp 1 lần khi sinh con là 3,6 triệu đồng/con…
  • Hai là, thay đổi hệ số trượt giá BHXH
    • Hệ số trượt giá BHXH năm 2024, thực hiên theo Thông tư số 01/2023/TT-BLĐTBXH, ảnh hưởng đến cả những người tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện. Sự thay đổi của hệ số trượt giá BHXH từ năm 2023 sang 2024, dù chưa được công bố cụ thể, nhưng nếu tăng lên sẽ dẫn đến sự tăng tương ứng trong các chế độ như BHXH một lần, lương hưu hằng tháng, trợ cấp nghỉ hưu một lần và trợ cấp tuất một lần. Điều này không chỉ góp phần nâng cao quyền lợi cho người lao động mà còn phản ánh sự linh hoạt và tính nhạy bén của chính sách đối với những biến động kinh tế.
      Ba là, thay đổi mức đóng BHYT
    • Theo quy định, mức đóng BHYT cho hộ gia đình được cập nhật: Người đầu tiên trong hộ sẽ đóng 4,5% mức lương cơ sở, trong khi các thành viên tiếp theo có mức đóng giảm dần; Người thứ hai đóng 70%; Người thứ ba đóng 60%; Người thứ tư đóng 50% so với mức đóng của người đầu tiên; Kể từ người thứ năm trở đi, mức đóng giảm xuống còn 40%. Đối với học sinh, sinh viên, mức đóng hàng tháng là 4,5% mức lương cơ sở, với sự hỗ trợ 30% từ ngân sách nhà nước và 70% còn lại do cá nhân tự đóng.
    • Tuy nhiên, từ 01/07/2024, hệ thống tiền lương sẽ được cải cách, bỏ mức lương cơ sở hiện hành. Điều này có thể dẫn đến việc phải xem xét lại và đưa ra hướng dẫn mới về mức đóng và hưởng BHYT cho các đối tượng như hộ gia đình và học sinh, sinh viên, phản ánh sự linh hoạt và thích ứng của chính sách với thực tế kinh tế – xã hội.
      Bốn là, thay đổi chi phí khám chữa bệnh 1 lần được chi trả 100%
    • Điểm nổi bật trong các điều chỉnh là việc bãi bỏ mức lương cơ sở làm tham chiếu cho chi phí khám chữa bệnh. Trước đây, chi phí khám chữa bệnh dưới 15% mức lương cơ sở (khoảng dưới 270.000 đồng) sẽ được BHYT chi trả 100%. Tuy nhiên, từ ngày 01/07/2024, quy định này sẽ không còn hiệu lực.
    • Sự thay đổi này mở ra một hướng đi mới, nơi mà các quy định về chi phí y tế được điều chỉnh để phù hợp hơn với tình hình kinh tế – xã hội hiện tại. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cách thức người dân tiếp cận các dịch vụ y tế mà còn phản ánh một sự thay đổi lớn trong chính sách an sinh xã hội. Sự thay đổi này dự kiến sẽ mang lại những lợi ích nhất định cho người dân.

V. Đề xuất sửa đổi Luật BHYT nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi cho người dân đi khám chữa bệnh BHYT

Bộ Y tế vừa có Tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, sau 15 năm triển khai thực hiện, Luật BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện chính BHYT ngày càng được tăng cường, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BHYT được chú trọng và đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

Đến hết năm 2023, tổng số người tham gia BHYT đạt 93,628 triệu người, tương ứng tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số. Quyền lợi của người tham gia BHYT được điều chỉnh phù hợp, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh. Công tác tổ chức khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí đã được cải thiện đáng kể về quy trình, thủ tục. Người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi đã được quan tâm trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế theo quy định của Luật…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật BHYT đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh. Theo đó:

  • Việc quy định hộ gia đình là “một nhóm đối tượng tham gia BHYT” chưa tương thích với việc phân nhóm đối tượng tham gia theo “trách nhiệm đóng BHYT “. Đồng thời, quy định đối tượng tham gia theo hộ gia đình dựa trên danh sách thành viên trong sổ hộ khẩu không phản ánh mối quan hệ giữa các thành viên và trách nhiệm của thành viên hộ gia đình trong thực hiện BHYT.
  • Mức đóng và việc giảm trừ mức đóng cho các thành viên hộ gia đình khi cùng tham gia BHYT chưa thực sự công bằng so với các nhóm đối tượng khác, trong đó có học sinh, sinh viên. Việc tham gia BHYT của đối tượng học sinh sinh viên chưa bảo đảm linh hoạt, chưa bảo đảm quyền lợi đối với trường hợp học sinh, sinh viên đồng thời là thành viên của hộ gia đình dẫn đến mức đóng của học sinh, sinh viên cao hơn khi so sánh với mức đóng của họ khi tham gia với tư cách là đối tượng thành viên hộ gia đình
  • Đối với người nước ngoài, Luật BHYT quy định phạm vi điều chỉnh có “cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến BHYT”. Quy định này chưa cụ thể, không rõ ràng về đối tượng, mức đóng, cách thức đóng BHYT dẫn đến khó khăn trong thực hiện.
  • Cùng với đó, một số dịch vụ y tế thuộc phạm vi khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa được quy định trong phạm vi hưởng BHYT như quản lý sức khỏe, khám, chẩn đoán đánh giá nguy cơ, tình trạng sức khoẻ và điều trị sớm một số bệnh, khám sức khỏe định kỳ, điều trị tật khúc xạ, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, vật tư y tế hỗ trợ sử dụng trong phục hồi chức năng, dinh dưỡng điều trị…
  • Quy định về gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả chưa rõ về khái niệm, chưa sát thực tiễn đặc thù của Việt Nam, chưa thể hiện tính chất của gói dịch vụ y tế cơ bản phải đặt trong sự cân đối về phạm vi quyền lợi và khả năng chi trả của quỹ BHYT. Trong khi Luật BHYT đã có các quy định về phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT; đồng thời quy định Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục, tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT đã mang tính chất xác định các quyền lợi, phạm vi cơ bản cho người bệnh BHYT ở tất cả các tuyến đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của hầu hết các mặt bệnh, ở tất cả các chuyên khoa, tại tất cả các tuyến chuyên môn kỹ thuật và phần còn lại do người bệnh cùng chi trả. Trong thực tiễn không thể hướng dẫn được gói dịch vụ y tế cơ bản cho tất cả các tuyến. Đối với điều kiện đặc thù của Việt Nam thì gói dịch vụ y tế cơ bản tương ứng với các dịch vụ y tế, thuốc, vật tư y tế đáp ứng cho chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh tại y tế cơ sở.
  • Về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến, Luật quy định việc đăng ký cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu theo địa giới hành chính là phù hợp nhưng lại chưa tạo điều kiện để người dân có thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ở tuyến tương đương hoặc thấp hơn trong nội tỉnh đối với một số bệnh, trường hợp đặc thù như bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo chưa được tự đi khám và điều trị ở tuyến trên trong khi cơ sở tuyến dưới chưa có đủ năng lực chuyên môn và đều phải chuyển tuyến, một số bệnh mãn tính chưa được đưa về y tế cơ sở để quản lý và cấp thuốc của tuyến trên, từ đó làm hạn chế đến quyền lợi của người tham gia BHYT và thủ tục chuyển tuyến không cần thiết.
  • Luật BHYT chỉ quy định thông tuyến đối với bệnh viện, trạm y tế xã, phường, thị trấn mà không đề cập đến các loại hình khám chữa bệnh tuyến huyện khác như trung tâm y tế, phòng khám đa khoa, bệnh xá quân đội, công an, bệnh xá quân dân y, y tế cơ quan đơn vị. Việc thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT đến tuyến tỉnh với tỷ lệ chi trả điều trị nội trú 100% chi phí theo phạm vi mức hưởng làm tăng số lượt khám chữa bệnh ở tuyến trên, giảm số lượt khám và điều trị tại trạm y tế xã.
  • Hiện nay Luật khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 mới ban hành năm 2023 quy định 3 cấp chuyên môn kỹ thuật thay cho tuyến chuyên môn kỹ thuật, hạng bệnh viện không còn là một căn cứ tính giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Do vậy, cần sửa đổi, điều chỉnh các nội dung liên quan tới tuyến chuyên môn kỹ thuật, hạng bệnh viện trong Luật BHYT để đồng bộ với Luật khám bệnh, chữa bệnh nhằm bảo đảm quản lý BHYT và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT phù hợp.
  • Về mức đóng BHYT, theo Bộ Y tế, quy định mức đóng chưa cân đối với mức hưởng và phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. Luật hiện hành quy định mức đóng tối đa lên đến 6% nhưng chưa có cơ chế và lộ trình để Chính phủ có căn cứ tăng mức đóng trong khi nhu cầu mở rộng phạm vi chi trả của Quỹ ngày càng cao và mức đóng, mệnh giá trung bình của thẻ BHYT của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, Luật chưa có quy định bảo hiểm có nhiều mức đóng theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về bảo hiểm đa tầng, hiện đại, liên kết giữa BHYT do Nhà nước thực hiện với BHYT thương mại.
  • Về quản lý, sử dụng quỹ BHYT, Bộ Y tế cho biết, Quỹ BHYT được quản lý tập trung, thống nhất trên toàn quốc (một quỹ duy nhất), nhưng đồng thời Luật cũng quy định về cách thức xử lý khi có kết dư hoặc thiếu hụt quỹ khám, chữa bệnh BHYT tại các tỉnh, thành phố. Điều này dẫn đến chưa đồng bộ, nhất quán trong cách thức quy định luật. Đồng thời, quy định này cũng dẫn đến việc điều tiết nguồn quỹ BHYT và thanh toán chi phí bị thay đổi tùy thuộc vào bối cảnh, thậm chí là khác nhau theo từng tỉnh, từng cơ sở khám, chữa bệnh. Chưa quy định rõ việc phân bổ quỹ cho chi phí quản lý. Trong nhiều năm qua, phần chi phí quản lý quỹ BHYT thực hiện hằng năm tối đa khoảng 3,5% nên cần điều chỉnh quy định cụ thể, phù hợp với thực tiễn. Khi có kết dư, Quỹ dự phòng đang tích lũy tương đương 50% quỹ khám chữa bệnh hằng năm mà chưa có biện pháp điều tiết phân bổ ngay từ đầu năm cho kinh phí khám bệnh, chữa bệnh hoặc tăng quyền lợi, mức hưởng. Chưa quy định nguyên tắc điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT, điều chỉnh mức đóng BHYT.

Theo Bộ Y tế, cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT để giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh có tính cấp bách nhằm tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, bảo đảm thống nhất với Luật khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và các luật có liên quan để kịp thời có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2025. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sẽ giúp bảo đảm quyền lợi BHYT phù hợp với nhu cầu của người dân trong chăm sóc sức khỏe, sự phát triển của xã hội, khả năng chi trả của quỹ BHYT; nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và quản lý, sử dụng quỹ BHYT; tạo công bằng, thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quan tâm đến chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý toàn diện sức khỏe người dân.

VI. Phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm về BHXH, BHYT: Đảm bảo quyền lợi người tham gia

BHXH Việt Nam luôn chủ động, quyết liệt, tích cực phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, chính quyền địa phương trong phát hiện, ngăn ngừa từ sớm, từ xa và xử lý kịp thời các hành vi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN; lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, quỹ BHYT; góp phần quan trọng để các quỹ luôn tăng trưởng, an toàn, bền vững, đảm bảo chi trả đầy đủ chế độ cho người tham gia, thụ hưởng.

1. Tham mưu, phối hợp, hoàn thiện chính sách

BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc tham mưu, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội bổ sung vào bộ Luật hình sự 2 tội danh liên quan đến gian lận BHXH, BHYT, BHTN (Điều 214, 215) và Nghị quyết số 05/NQ-HĐTP.

Đặc biệt, trong xây dựng dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV cuối năm 2023 vừa qua, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp cùng Bộ LĐ-TB&XH và các đơn vị liên quan hoàn thiện, bổ sung các chế tài trong Luật nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN.

  • Theo đó, ngoài chế tài thu hồi và tính lãi tiền chậm đóng BHXH , khởi kiện ra toà, khởi tố hình sự (như Luật BHXH hiện hành) còn bổ sung thêm một số chế tài như: Cơ quan có thẩm quyền tuyên bố ngừng sử dụng hóa đơn (phong tỏa hóa đơn) với đơn vị nợ BHXH từ 6 tháng trở lên; hoãn xuất cảnh với chủ doanh nghiệp nợ BHXH từ 12 tháng trở lên.
  • BHXH Việt Nam cũng đề xuất một số giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động bị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN tại các doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn; gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.
  • Về lĩnh vực BHYT, BHXH Việt Nam tham gia xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHYT và chủ trì hoàn thiện một số báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ và các Bộ Ngành như Dự án Luật BHYT sửa đổi, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật khác như Luật giá (sửa đổi), dự thảo Nghị định về khám chữa bệnh (KCB) cho các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang; các văn bản, thông tư liên quan đến dịch vụ KCB, thuốc, vật tư y tế (VTYT) và quy định về đấu thầu, mua sắm thuốc, VTYT (đã tham gia xây dựng 12 văn bản, thông tư, trong đó có 05 văn bản đã được ban hành và có hiệu lực thực hiện trong năm 2023).
  • BHXH Việt Nam cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả quỹ BHYT, đảm bảo chi đúng, chi đủ, phục vụ kịp thời các hoạt động KCB , chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.

2. Tranh thủ, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành

Tranh thủ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, thời gian qua, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 317-NQ/BCSĐ về việc tăng cường các giải pháp thực hiện công tác thu, giảm tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, đồng thời có văn bản gửi Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn phát sinh chậm đóng BHXH, BHYT; các doanh nghiệp có biểu hiện chậm đóng BHXH, BHYT cho người lao động từ dữ liệu của cơ quan Thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý nhà nước về lao động để khắc phục tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT.

  • BHXH Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn trong việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.
  • Toàn Ngành thường xuyên nắm bắt thông tin, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị sử dụng lao động để có giải pháp phù hợp với mỗi đơn vị, trong đó chú trọng theo dõi, xây dựng cơ sở dữ liệu những đơn vị có nhiều lao động, số tiền thu lớn nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng kéo dài, hoặc chậm đóng với số tiền lớn.
  • Hằng tháng, BHXH Việt Nam tổ chức giao ban toàn Ngành đánh giá chi tiết tiến độ thu, chỉ tiêu giảm số tiền chậm đóng để kịp thời có các giải pháp phù hợp với đặc thù của từng tỉnh, thành phố, đảm bảo các đơn vị sử dụng lao động đóng kịp thời, không để phát sinh số tiền chậm đóng mới; tổ chức các đoàn công tác do Lãnh đạo Ngành làm Trưởng đoàn đến nắm bắt tình hình và chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các giải pháp thu, giảm chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN… tại các địa phương.
  • BHXH các tỉnh, thành phố thường xuyên cử cán bộ trực tiếp đến đơn vị để đôn đốc thu kịp thời khi đơn vị có dấu hiệu chậm đóng, lập biên bản làm việc yêu cầu đơn vị đóng BHXH, BHYT, BHTN đúng quy định.

3. Đẩy mạnh công tác thanh tra, thu hồi số tiền chậm nộp

Hiện nay, BHXH Việt Nam được giao chức năng thanh tra chuyên ngành (TTCN) về đóng BHXH, BHYT, BHTN. Đây là công cụ mạnh, hữu hiệu được BHXH Việt Nam tích cực triển khai.

Ngành BHXH Việt Nam luôn chủ động:

  • Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành hữu quan trong hoạt động thanh tra, kiểm tra (TTKT);
  • Ban hành, triển khai trong toàn Ngành Kế hoạch TTCN, kiểm tra và TTKT liên ngành;
  • Chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố xây dựng, điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch TTKT hằng năm, chú trọng TTCN đóng đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm, đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT;
  • Kiểm tra chuyên đề, đột xuất các cơ sở KCB có tỷ lệ chi KCB BHYT cao so với dự toán, gia tăng chi phí bất hợp lý;
  • Chủ động rà soát, phân tích dữ liệu trên các phần mềm nghiệp vụ, dữ liệu cơ quan Thuế cung cấp để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác TTKT;
  • Chỉ đạo triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BHTN; kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN. Qua đó đã chủ động phát hiện, ngăn ngừa từ sớm, từ xa và xử lý kịp thời các hành vi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN; lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, quỹ BHYT.

Do cơ quan BHXH chỉ có chức năng TTCN về đóng BHXH, BHYT, BHTN, không có chức năng thanh tra hưởng BHXH, BHYT, vì vậy, bên cạnh sự chủ động, triển khai quyết liệt của Ngành, BHXH Việt Nam đã tăng cường phối hợp với các bộ, ban ngành liên quan chủ động có giải pháp quyết liệt để phát hiện, ngăn chặn từ sớm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người tham gia và thụ hưởng chính sách. Trong đó, BHXH Việt Nam đề nghị:

  • Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo thanh tra ngành Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với cơ quan BHXH tăng cường thanh tra đối với các đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN;
  • Bộ Y tế ban hành văn bản chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấn chỉnh các cơ sở KCB trên địa bàn, thực hiện nghiêm túc quy trình KCB theo quy định để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp trục lợi; kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành liên quan (Công an, Thuế, Kế hoạch và Đầu tư…) trong việc theo dõi, phát hiện, ngăn ngừa và xử lý lạm dụng, trục lợi…

Qua công tác TTKT, nhiều hành vi vi phạm đã được phát hiện và xử lý kịp thời; nhiều nội dung vướng mắc đã được BHXH Việt Nam giải quyết hoặc tổng hợp, báo cáo, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Gần đây, cơ quan BHXH và cơ quan chức năng có liên quan đã phát hiện, xử lý một số vụ việc vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN ở một số địa phương. Cụ thể, thông qua công tác TTKT đã phát hiện tình trạng trục lợi quỹ BHXH, BHYT dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH giả hoặc cấp khống (thực tế không đi KCB để được cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH), cấp không đúng quy định để thanh toán chế độ BHXH. Trong đó, người lao động thì trục lợi quỹ BHXH bằng việc dùng Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH để đề nghị thanh toán hưởng chế độ BHXH; cơ sở KCB BHYT trục lợi quỹ BHYT bằng việc quyết toán công khám, tiền thuốc, dịch vụ kỹ thuật… từ thẻ BHYT của người mua Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Một số vụ việc điển hình như tại các Phòng khám đa khoa tư nhân ở Đồng Nai (đã khởi tố); tại Trạm Y tế phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, Hà Nam (Công an tỉnh Hà Nam đang xác minh),…

Đáng chú ý, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện TTKT theo phương pháp truyền thống kết hợp với “xử lý dữ liệu điện tử” bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát, phân tích xử lý dữ liệu từ các phần mềm nghiệp vụ của Ngành và cơ sở dữ liệu từ các cơ quan hữu quan. Từ việc cảnh báo, sàng lọc cơ sở dữ liệu, các đơn vị có dấu hiệu vi phạm về BHXH, BHYT, BHTN, nhất là hành vi vi phạm về chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN đã được cơ quan BHXH kịp thời phát hiện, lập danh sách để tiếp tục rà soát, đôn đốc và tổ chức triển khai các đoàn TTCN đóng đột xuất tại đơn vị.

  • Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động TTKT đã rút ngắn thời gian, kinh phí, nhân lực, giảm thời gian làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (đặc biệt với các đơn vị có số lao động và dữ liệu lớn). Ứng dụng CNTT trong công tác TTKT giúp việc TTKT có trọng tâm, trọng điểm, phát hiện các dấu hiệu bất thường, phân tích dữ liệu để định hướng nội dung thực hiện TTKT theo chuyên đề, đột xuất. Đồng thời, việc xử lý dữ liệu tổng thể, giúp tăng khối lượng nội dung, hồ sơ TTKT nhưng vẫn đảm bảo tính pháp lý, tuân thủ đúng quy trình, quy định của pháp luật thanh tra.
  • Trong năm 2023, BHXH Việt Nam đã chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 18.707 đơn vị. Tổng số tiền qua TTKT các đơn vị chậm đóng trước khi có quyết định TTKT ra là 1.504,1 tỷ đồng, số đã khắc phục, nộp tiền chậm đóng ngay sau khi TTKT là 909,8 tỷ đồng (bằng 60,5%). Phát hiện 44.859 trường hợp sai phạm về đối tượng, mức đóng với số tiền truy thu 132,6 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH, BHTN tổng số tiền 139,5 tỷ đồng do hưởng chế độ không đúng quy định (bằng 186% so với năm 2022).
  • Nhờ các giải pháp quyết liệt, linh hoạt, đồng bộ của toàn Ngành, hết năm 2023, số tiền thu BHXH, BHTN, BHYT tăng 8,55% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 101,41% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN có tính lãi ghi nhận ở mức thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây, giảm từ 6% (năm 2016) xuống còn 2,69% số phải thu.

Kết quả này cho thấy công tác TTKT cùng với các giải pháp thu khác của ngành BHXH Việt Nam đã phát huy hiệu quả tốt, góp phần quan trọng để các quỹ luôn tăng trưởng, an toàn, bền vững, đảm bảo chi trả đầy đủ chế độ cho người tham gia, thụ hưởng; nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật của người sử dụng lao động cũng như người lao động trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

VII. Hơn 615.000 trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT trực tuyến

BHXH Việt Nam vừa có thông tin về kết quả triển khai Đề án 06 của Chính phủ đến tháng 02/2024. Toàn Ngành tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực trong kết nối, chia sẻ dữ liệu; triển khai dịch vụ công trực tuyến…

1. Về kết nối, chia sẻ dữ liệu và sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia thay thế thẻ BHYT giấy để khám chữa bệnh BHYT

Hệ thống đã xác thực trên 95,8 triệu thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư, trong đó có khoảng 87,7 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN. 100% cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT đã triển khai KCB BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Với trên 60,2 triệu lượt tra cứu thành công thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp phục vụ làm thủ tục KCB BHYT.

2. Triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến

  • Một là, liên thông đăng ký khai sinh – đăng ký thường trú – cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; Liên thông đăng ký khai tử – Xóa đăng ký thường trú – Trợ cấp mai táng phí: BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã giải quyết 615.863 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và 7.678 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí.
  • Hai là, giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp: BHXH Việt Nam đã tiếp nhận từ Cổng DVC quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng BHTN cho 362.271 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.
  • Ba là, triển khai DVC theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022: Đối với DVC “Đăng ký tham gia đóng BHXH tự nguyện”: Hệ thống của BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 6.799 giao dịch đăng ký, đóng BHXH tự nguyện. Đối với DVC “Đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT” (gộp dịch vụ công Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình vào DVC này): Toàn ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 43.788 trường hợp đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT, gia hạn thẻ BHYT qua DVC này.

3. Phối hợp, hỗ trợ Bộ Y tế liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử

Trên toàn quốc có 1.225 cơ sở KCB đã gửi dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, với 2.180.937 dữ liệu được gửi; có 1.618 cơ sở KCB gửi dữ liệu giấy chứng sinh, với 946.180 dữ liệu được gửi; 615 cơ sở KCB gửi dữ liệu giấy báo tử, với 9.748 dữ liệu được gửi.

Việc liên thông giấy khám sức khỏe lái xe qua hạ tầng của BHXH Việt Nam giúp người dân có thể đề nghị cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe hoàn toàn trực tuyến (trước đây người dân buộc phải đến nơi cấp giấy phép lái xe để nộp bản giấy của giấy khám sức khỏe lái xe).

Việc liên thông giấy chứng sinh, giấy báo tử qua hạ tầng của BHXH Việt Nam đã tạo ra tiện ích rất quan trọng là đầu vào giúp người dân có thể thực hiện DVC trực tuyến toàn trình đối với 02 nhóm TTHC liên thông: Đăng ký khai sinh – đăng ký thường trú – cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử – Xóa đăng ký thường trú – Hỗ trợ chi phí mai táng, Trợ cấp mai táng (trước đây người dân buộc phải đến UBND xã, phường để nộp bản giấy của giấy chứng sinh, giấy báo tử khi làm thủ tục Đăng ký khai sinh, Đăng ký khai tử).

4. Đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt

Đến nay, có khoảng 64% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, TCTN qua tài khoản các nhân tại khu vực đô thị, tăng khoảng 3% so với năm 2022. Trong đó: Lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đạt: 47%; Chế độ BHXH một lần đạt: 94%: Trợ cấp thất nghiệp đạt: 98%.

5. Tích hợp thông tin sổ BHXH trên ứng dụng VneID

BHXH Việt Nam đã phối hợp thành công việc cung cấp thông tin sổ BHXH lên ứng dụng VneID. Hiện nay, BHXH Việt Nam đang tiếp tục duy trì việc liên thông dữ liệu khi có đề nghị của người lao động về việc tích hợp thông tin quá trình tham gia BHXH lên ứng dụng VneID.

VIII. Ngành BHXH Việt Nam: Xác định 40 nhiệm vụ trọng tâm năm 2024

Theo Quyết định số 88/QĐ-BHXH của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, toàn Ngành xác định 40 nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp để tập trung hoàn thành trong năm 2024. Đặc biệt, chú trọng vào các nhiệm vụ tham mưu, xây dựng chính sách, phục vụ quá trình nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT. Cụ thể:

  • Toàn Ngành sẽ tập trung vào việc thực hiện tổng hợp ý kiến, đề xuất sửa đổi Luật BHXH để tham mưu trình Quốc hội xem xét. Đồng thời, tổng hợp, đề xuất ý kiến về sửa đổi các nội dung tại Luật Việc làm. Về chính sách BHYT, sẽ tập trung vào quá trình nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
  • Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ giám định BHYT. Xây dựng và phát triển hệ thống cảnh báo hằng ngày đến các cơ sở y tế có sự gia tăng chi phí KCB BHYT bất thường (theo quy định tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP). Phối hợp xây dựng phương thức thanh toán dịch vụ KCB theo nhóm chẩn đoán liên quan (DRG) áp dụng trong xây dựng và thẩm định dự toán chi KCB…
  • Về các chỉ tiêu, nhiệm vụ thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam sẽ chỉ đạo biên soạn, ban hành tài liệu khung cho nhân viên làm công tác BHXH tại các đơn vị sử dụng lao động. Chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố xây dựng kịch bản công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT năm 2024. Xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT và hoạt động kiểm tra của BHXH Việt Nam.
  • Công tác truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cũng sẽ được tăng cường bằng các giải pháp cụ thể như:
    • Chú trọng tổ chức các hoạt động tập huấn, cung cấp thông tin, tổ chức chương trình thực tế cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên trách về BHXH, BHYT;
    • Hoàn thiện kế hoạch ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ số, chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của ngành BHXH Việt Nam;
    • Phối hợp triển khai Sổ Sức khỏe điện tử trên ứng dụng VneID…

Các hoạt động thi đua, hướng tới kỷ niệm 30 năm ngày thành lập BHXH Việt Nam cũng rất đáng chú ý. Theo đó, dự kiến sẽ tổ chức Cuộc thi “Viết về BHXH, BHYT”. Triển khai xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các đơn vị trong toàn Ngành tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp, tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước ngành BHXH Việt Nam lần thứ VI.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cũng đã nhấn mạnh, năm 2024, ngành BHXH Việt Nam xác định nhiệm vụ hết sức khó khăn, nặng nề; kết quả đạt được trong năm 2023 và những năm vừa qua là cơ sở, vừa là nền tảng để toàn Ngành quyết tâm hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2024 và những năm tiếp theo.

IX. Giải quyết dứt điểm vướng mắc về đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế

Chiều 21/02/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Bộ Y tế, một số bộ, ngành, sở y tế, bệnh viện nghe báo cáo, cho ý kiến về dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đấu thầu năm 2023 về lựa chọn nhà thầu (Nghị định).

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết:

  • Trong quá trình xây dựng Nghị định, đối với các nội dung liên quan đến lĩnh vực đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, Bộ đã xin ý kiến thành viên Chính phủ về: Quy định lập giá gói thầu; thủ tục phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong quy trình chỉ định thầu rút gọn; thanh toán chi phí mua thuốc, hoá chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.
  • Phó Thủ tướng đề nghị đại điện các bệnh viện, sở y tế đóng góp thẳng thắn vào các điều, điểm, khoản để Nghị định khi ban hành phải tạo sự thống nhất về nhận thức, giải quyết được ngay những vướng mắc thực tiễn. “Công tác lựa chọn nhà thầu trong lĩnh vực y tế được quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn, phòng tránh tham nhũng, lãng phí, kém hiệu quả, nhưng phải phân cấp mạnh mẽ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, đặc thù đối với hoạt động đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phải đáp ứng cả yêu cầu chuyên môn, kỹ thuật, nhu cầu điều trị lẫn năng lực tài chính. Do vậy, Bộ Y tế đề nghị trong trường hợp có từ 2 báo giá trở lên thì có thể lựa chọn mức giá cao nhất làm cơ sở lập dự toán xây dựng giá gói thầu.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, vấn đề đấu thầu thuốc, thiết bị y tế hết sức quan trọng, cần giải quyết bằng cơ chế, chính sách pháp luật.

Qua các ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT nghiên cứu tiếp thu tối đa, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định. Bộ Y tế phối hợp với Bộ KH&ĐT để xây dựng tiêu chí xác định tính chính thống, hợp pháp của các nguồn thông tin báo giá làm căn cứ lập giá gói thầu. “Quan trọng nhất là Hội đồng của bệnh viện phải xác định cấu hình, yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, hiệu quả kinh tế của thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, làm cơ sở lựa chọn mức giá gói thầu”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Để tháo gỡ khó khăn trong thực hiện tư vấn, thẩm định đấu thầu, Phó Thủ tướng đề nghị:

  • Quy định rõ ràng nhằm huy động, khuyến khích sự tham gia của các đơn vị, tổ chức tư vấn, thẩm định được thành lập hợp pháp; trường hợp không có đơn vị, tổ chức tư vấn, thẩm định tham gia thì chủ đầu tư sẽ thành lập tổ tư vấn, thẩm định trong đấu thầu.
  • Đối với việc phân cấp đấu thầu thuốc, đấu thầu tập trung là biện pháp hết sức hiệu quả, cần thiết, minh bạch, khách quan để người dân được tiếp cận thuốc mới, tốt, giá rẻ. Do vậy, những loại thuốc sử dụng phổ biến, khối lượng lớn phải đưa vào danh sách đấu thầu tập trung (cấp quốc gia, địa phương), lựa chọn các nhà sản xuất, doanh nghiệp đủ năng lực, còn những loại thuốc hiếm, đặc trị, chuyên khoa thì phân cấp tối đa cho bệnh viện.
  • Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; áp giá thầu đối với các loại thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cho các bệnh viện tư nhân thực hiện khám, chữa bệnh BHYT…
  • Về điều khoản thực hiện chuyển tiếp không để khoảng trống pháp luật khi thực hiện hoạt động đấu thầu nói chung, trong đó có lĩnh vực y tế. Đơn cử, những gói thầu thực hiện theo các văn bản, quy định pháp luật trước đây phải rà soát, báo cáo cấp thẩm quyền nếu trái với Luật Đấu thầu năm 2023 hoặc Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đấu thầu năm 2023 về lựa chọn nhà thầu; cho phép kéo dài thời gian thực hiện các gói thầu triển khai từ thời điểm Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

X. Đơn giản hóa thủ tục hành chính dịch vụ đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Ngày 02/02/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 144/QĐ-TTg phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội năm 2024 và năm 2025.

Quyết định cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hai ngành nghề kinh doanh sau: Kinh doanh dịch vụ đánh giá kỹ năng nghề; kinh doanh dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đánh giá kỹ năng nghề, Quyết định cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục cấp, cấp lại, cấp đổi, bổ sung giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia (2.000250). Theo đó:

  • Thành phần hồ sơ đề nghị cấp lại, cấp đổi, bổ sung Giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia;
  • Không yêu cầu cơ quan, tổ chức phải nộp lại “Giấy chứng nhận đã được cấp”;
  • Đồng thời, bổ sung cách thức thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với thủ tục cấp, cấp lại, cấp đổi thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia (1.000567).
  • Cùng với đó, thay đổi thành phần hồ sơ đề nghị cấp lại, cấp đổi chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, không yêu cần nộp lại: “chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đã được cấp” đối với thủ tục hành chính cấp, cấp lại, cấp đổi chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia (1.000546).

Đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Quyết định bãi bỏ thủ tục hành chính cấp thông báo chuyển trả đối với người lao động, kể cả đội trưởng, phiên dịch, cán bộ vùng đi làm việc ở nước ngoài theo Hiệp định Chính phủ (2.002021); bãi bỏ thủ tục hành chính cấp Thư giới thiệu cho công dân Việt Nam tham gia Chương trình Lao động kết hợp kỳ nghỉ tại Australia (2.000292) và cấp lại Thư giới thiệu cho công dân Việt Nam tham gia Chương trình Lao động kết hợp kỳ nghỉ tại Australia…

XI. Tăng cường công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện các dự án Luật trình Quốc hội

Ngày 19/02/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 15/CĐ-TTg về tăng cường công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện các dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Theo công điện, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, cụ thể về công tác xây dựng pháp luật và hoàn thiện thể chế.

Để tiếp tục tăng cường công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới và chuẩn bị tốt nhất các dự án luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp phụ trách, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng pháp luật. Cụ thể như sau:

  • Một là, chuẩn bị đầy đủ về thành phần hồ sơ theo đúng quy định của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chất lượng tốt nhất của dự thảo và các tài liệu trong hồ sơ. Tăng cường các phương pháp lấy ý kiến thực chất, hiệu quả, giải trình đầy đủ ý kiến, góp ý của cơ quan, tổ chức, đối tượng chịu sự tác động của văn bản.
  • Hai là, chú trọng rà soát nội dung dự án, dự thảo với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để phát hiện, xử lý kịp thời những vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo với quy định hiện hành và văn bản dự kiến ban hành.
  • Ba là, về việc chuẩn bị và trình các dự án luật, Thủ tướng nhấn mạnh đây là các dự án luật quan trọng, có nhiều nội dung phức tạp, nhạy cảm, có phạm vi rộng, tác động lớn, được dư luận nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm.

Do vậy, yêu cầu các bộ trưởng được giao chủ trì các dự án luật tập trung nguồn lực, chỉ đạo, bảo đảm chất lượng, tiến độ trình hồ sơ dự án luật đúng quy định.

  • Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thiện tờ trình của Chính phủ và dự thảo Đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1/3.
  • Đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ để thi hành các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 01/01/2024, phấn đấu hoàn thành trong tháng 02/2024.
    Khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trước ngày 15/05/2024 đối với các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 01/07/2024 để không tạo ra khoảng trống pháp lý do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết.
    Khẩn trương ban hành các thông tư quy định chi tiết và văn bản hướng dẫn thi hành, quy chuẩn thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ để kịp thời hướng dẫn tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, thống nhất, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhất là các văn bản liên quan đến đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế; định mức đơn giá xây dựng, quy chuẩn đường cao tốc…
    Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ chủ động theo dõi, đôn đốc quá trình hoàn thiện các dự án luật, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh.

XII. BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam vừa ký Quyết định số 202/QĐ-BHXH ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 của BHXH Việt Nam.

Kế hoạch xác định mục tiêu chung:

  • Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp góp phần cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế;
  • Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm dừng hoạt động;
  • Tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số;
  • Giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư kinh doanh;
  • Giảm rủi ro chính sách;
  • Củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp.

Mục tiêu cụ thể:

  • Thực hiện tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, thủ tục hành chính (TTHC);
    Thực hiện các giải pháp theo hướng giảm số lượng tiêu thức, thành phần hồ sơ, TTHC theo quy định;
    Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả TTHC giúp giảm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
    Triển khai có hiệu quả việc đổi mới cơ chế Một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; nâng cấp phát triển Cổng dịch vụ công BHXH; tích hợp, kết nối với Cổng dịch vụ Công quốc gia, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công trên môi trường điện tử.
    Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về BHXH, BHTN, BHYT, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các bộ, ngành; hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích mới trên ứng dụng VssID – BHXH số.
    Đẩy mạnh chuyển đổi số; hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch theo lộ trình liên quan đến việc chuyển đổi số trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính.
    Chú trọng triển khai thực hiện 06 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:
  • Một là, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ cải cách TTHC, thực hiện các giải pháp tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC theo thẩm quyền; tập trung rà soát các TTHC liên quan đến hoạt động kinh doanh của người dân và doanh nghiệp theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 68/NQCP ngày 12/05/2020.
    Hai là, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin; triển khai toàn diện việc chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam; hoàn thiện hệ thống phần mềm nghiệp vụ, cơ sở dữ liệu tập trung; thực hiện liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành, tổ chức, đơn vị liên quan; phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; Kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin, dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo đúng quy định.
    Ba là, tiếp tục triển khai có hiệu quả việc đổi mới cơ chế Một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; nâng cấp phát triển Cổng dịch vụ công BHXH; tích hợp, kết nối với Cổng dịch vụ Công quốc gia, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công trên môi trường điện tử.
    Bốn là, tục triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo đúng quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/04 /2020 và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức.
    Năm là, mạnh việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; nghiên cứu ứng dụng căn cước công dân gắn chip trong chi trả các chế độ BHXH.
    Sáu là, phối hợp với các cơ quan truyền thông ở Trung ương và địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền những biện pháp, giải pháp chủ yếu của ngành BHXH Việt Nam để tiếp tục thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch thực hiện của BHXH Việt Nam.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về BHXH Việt Nam theo quy định.

Bạn đang cần tư vấn thiết kế website bán hàng chuyên nghiệp , tham khảo dịch vụ của NKS nhé

NKS - Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ Tri Thức Mới

20 năm tư vấn và cung cấp giải pháp xây dựng thương hiệu toàn diện trên Internet

222 Lê Văn Sỹ, Phường 14, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Email: system@nks.vn

Website: https://nks.com.vn

Hotline: 0932030958

Mục lục
Menu